Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 28/04/2024 13:21 (GMT+7)

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024

Theo dõi GĐ&PL trên

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; quy định mới về quản lý seri tiền mới in; chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia... là những chính sách kinh tế nổi bật sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024

Ảnh minh họa.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp được quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2024 của Chính phủ. Nghị định quy định ưu đãi đầu tư đối với: Cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Nghị định quy định Ngân sách địa phương (đã bao gồm thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương) cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cụm công nghiệp phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.

Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/5/2024.

Quy định mới về quản lý seri tiền mới in

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN ngày 29/3/2024 quy định về quản lý seri tiền mới in của NHNN. Thông tư này quy định việc quản lý seri tiền mới in đối với các loại tiền giấy của NHNN được thực hiện từ khi cấp vần seri, sử dụng vần seri trong quá trình in tiền cho đến khi tiền mới in được phát hành vào lưu thông.

Thông tư nêu rõ nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền: Đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi; đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi; mỗi tờ tiền có một seri riêng.

Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền: Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc nêu trên. Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế. Nguyên tắc sử dụng vần phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền; cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do NHNN quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất.

Thông tư cũng quy định quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền như sau: Cơ sở in, đúc tiền giao tiền mới in cho NHNN (Cục Phát hành và Kho quỹ); giao, nhận tiền mới in giữa các Kho tiền Trung ương; giao, nhận tiền mới in giữa Kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch và NHNN chi nhánh; giao, nhận tiền mới in giữa NHNN chi nhánh với nhau.

Bên giao tiền mới in phải lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định kèm theo biên bản giao nhận tiền hoặc phiếu xuất. Bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận.

Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại NHNN chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định. Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận.

Bảng kê seri do thủ kho bên giao ký và phải thể hiện chính xác các yếu tố: Bên giao, bên nhận, loại tiền, số lượng, vần seri, năm sản xuất, ký hiệu bao, gói, bó tiền hoặc quy cách đóng gói khác do NHNN quy định. Bảng kê này được lập thành 02 liên, mỗi bên giao, nhận giữ 01 liên.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 14/5/2024.

Chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 20/2024/TT-BTC ngày 25/3/2024 quy định về định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia tại cửa kho dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý. Theo Thông tư, định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia tại cửa kho dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 20/2024/TT-BTC.

Điển hình như định mức chi phí nhập, xuất lương thực và muối ăn được quy định như sau: Định mức chi phí nhập kho gạo: 246.816 đồng/tấn.lần; Định mức chi phí xuất kho gạo: 234.400 đồng/tấn.lần; Định mức chi phí nhập kho thóc đổ rời: 261.271 đồng/tấn.lần...

Định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia tại cửa kho dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý được thực hiện chi cho các nội dung chi có liên quan đến công tác nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo danh mục nội dung định mức được quy định tại Thông tư số 18/2024/TT-BTC ngày 22 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.

Cùng chuyên mục

Bộ trang phục biểu diễn của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng sẽ được thẩm định
Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, để có giải pháp xử lý phù hợp, Sở sẽ mời một số chuyên gia về các lĩnh vực có liên quan để thẩm định trang phục và phụ kiện mà ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng sử dụng tại buổi biểu diễn ngày 4/5. Sau khi có kết luận sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Tin mới