Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn, sạt lở
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 1/8 đến đêm 2/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, từ ngày 27 - 31/7, mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất đã làm 5 người chết (Lâm Đồng: 4, Bình Thuận: 1). Về nhà, 348 nhà ngập (Đắk Lắk: 128; Đắk Nông: 66; Lâm Đồng: 24; Bình Thuận: 126; Đồng Nai: 4). Trong đó, chính quyền các địa phương đã hỗ trợ di dời 112 hộ dân bị ngập sâu đến nơi an toàn (Đắk Nông: 66; Lâm Đồng: 24; Bình Thuận: 22).
Về nông nhiệp, 7.946ha lúa, hoa màu ngập úng (Bình Thuận: 2.984ha; Đắk Lắk: 4.366ha; Đắk Nông: 46ha; Đồng Nai: 550ha).
Về chăn nuôi, thuỷ sản, 827 con gia cầm bị chết (Bình Thuận: 777; Đắk Lắk: 50); 168ha diện tích thủy sản thiệt hại (Bình Thuận: 49ha; Đắk Lắk: 6ha; Đắk Nông: 113ha); thiệt hại 58,3 tấn cá (Đồng Nai).
Bên cạnh đó, sạt lở 11 vị trí quốc lộ (Đắk Lắk QL14C; Lâm Đồng QL20; Bình Thuận QL55, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết) và nhiều tuyến đường giao thông địa phương bị sạt lở, ngập úng. Hiện nay, tại quốc lộ 20 (đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), địa phương đã tổ chứcdọn dẹp xong khối lượng đất đá sạt lở và đánh giá mức độ an toàn trước khi cho thông xe.
Về thiệt hại nhà máy thuỷ điện: Đắk R’Tih (Đắk Nông) bị sạt lở góc sân trước nhà máy và chưa ảnh hưởng đến kết cấu nhà máy; Đắk Nông 2 bị xói chân trạm 110KV, chủ hồ đã chỉ đạo vận hành phù hợp và khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thái Nguyên, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, từ ngày 27 - 31/7, mưa lớn kèm dông lốc, sét đã làm 2 người chết (Thái Nguyên: 1; Bạc Liêu: 1); 22 người bị thương (Bạc Liêu: 1; Sóc Trăng: 3; Trà Vinh: 1; Cà Mau: 4; Kiên Giang: 13). Đồng thời, 179 nhà sập đổ (An Giang: 6; Bạc Liêu: 7; Sóc Trăng: 6; Trà Vinh: 4; Cà Mau: 74; Kiên Giang: 82); 637 nhà hư hỏng, tốc mái (An Giang: 19; Bạc Liêu: 52; Sóc Trăng: 69; Trà Vinh: 42; Cà Mau: 311; Kiên Giang: 144).
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 1/8 đến đêm 2/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 60 - 120mm, có nơi trên 200mm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ngày 1/8 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 - 40mm, có nơi trên trên 70mm; từ chiều tối ngày 1 đến đêm 2/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40 - 80mm, có nơi trên 120mm.
Ngoài ra, trong ngày và đêm 1/8, ở Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 - 40mm, có nơi trên 60mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối). Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.
Ngày và đêm 1/8, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng biển cao 2 - 4m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghịcác tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ tập trung khắc phục sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, chủ động ứng phó với mưa lớn.
Tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện Công điện số 07/CĐ-QG ngày 30/7/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với nguy cơ ngập lụt trên các khu vực trũng thấp ven sông Đồng Nai.
Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lớn, sạt lở đất, dông lốc, sớm ổn định đời sống.
Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.