Nắng nóng đe dọa an ninh lương thực ở Đông Nam Á
Để ứng phó với tình trạng nắng nóng kỷ lục ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo, các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách phát triển các giống lúa chịu hạn, đa dạng hóa cây trồng và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm.
Năm 2023 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử. Nhưng đáng tiếc, xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm 2024 với nhiều dữ liệu đáng báo động: theo ghi nhận vào tháng ba năm nay, nhiệt độ toàn cầu đã tăng cao đến mức chưa từng thấy, vượt mức ở các thập kỷ trước 0,73oC, và vượt mức nhiệt độ thời tiền công nghiệp 1,68oC. Theo các dự báo nhiệt độ ngày càng tăng, có lẽ từ nay trở đi, năm nào cũng sẽ là năm nắng nóng nhất trong lịch sử cho đến thời điểm ghi nhận.
Đông Nam Á, một vựa lúa của thế giới (chiếm 26% sản lượng gạo toàn cầu và 40% lượng xuất khẩu toàn cầu) đang phơi mình gánh chịu tình trạng nắng nóng kỷ lục này. Vào đầu tháng tư vừa qua, tại Minbu, miền Trung Myanmar, người dân nơi đây chứng kiến nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay, lên tới 44oC. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á đối mặt với mức nhiệt cao như vậy ngay từ tháng tư. Hat Yai ở miền Nam Thái Lan cũng ghi nhận nhiệt độ kỷ lục là 40,2oC. Tương tự, tại Việt Nam, 102 trạm khí tượng thông báo nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng tư. Khu vực miền Bắc và miền Trung có nhiệt độ cao hơn tới 4oC so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi bảy trạm ghi nhận nhiệt độ trên 43oC vào ngày 22/4.
“Tần suất, cường độ, thời gian và diện tích chịu ảnh hưởng từ những đợt nắng nóng này đang gia tăng theo thời gian. Nhiệt độ đang tăng nhanh trong thời gian rất ngắn. Và mọi chuyện sẽ còn tệ hơn, đồng nghĩa với việc chúng ta phải chuẩn bị các biện pháp đối phó”, TS. Roxy Mathew Koll, nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng nhiệt đới Ấn Độ, cho biết.
Là lương thực chính cho hơn một nửa dân số thế giới, lúa gạo là một trong những cây trồng quan trọng nhất giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu nhưng loài thực vật bán thủy sinh này chỉ có thể phát triển ở những vùng có độ ẩm cao, cần nhiều nước. Nên những đợt nắng nóng đe dọa trực tiếp tới ngành sản xuất lúa gạo trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Indonesia, hạn hán kéo dài năm ngoái đã dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và khiến giá lúa gạo biến động. Năm nay, sản lượng gạo giảm từ 31,53 triệu tấn xuống còn 30,9 triệu tấn. Đáng chú ý, giá gạo trong tháng hai đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều người đã xếp hàng chờ đợi cả tiếng đồng hồ để nhận gạo trợ cấp của chính phủ.
Tại Việt Nam, nhiều năm nay, mực nước ở các hệ thống sông xuống thấp gây khó khăn trong canh tác.
Tình trạng hạn hán khiến mực nước ngọt giảm xuống, xâm nhập mặn gia tăng, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2020 đến năm 2023, ước tính Đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại 70 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,96 tỷ USD mỗi năm do xâm nhập mặn, theo thông tin từ Bộ TN&MT. Dự kiến những con số này sẽ tăng lên trong những năm tới.
Còn quá sớm để biết chính xác hạn hán năm nay, dưới ảnh hưởng của El Niño, sẽ tác động đến thu hoạch và xuất khẩu nông sản như thế nào. Nhưng trước mắt, ít nhất một mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Vào cuối tháng ba, Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết xuất khẩu cà phê robusta – loại hạt được sử dụng trong cà phê espresso và cà phê hòa tan – có thể giảm tới 20% trong 12 tháng tính đến tháng chín, so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Tại Thái Lan, năng suất lúa suy giảm do nhiệt độ tăng cao và hiện tượng El Niño ước tính sẽ khiến nợ của nông dân nước này tăng 8% trong năm nay. Tương tự, ở Malaysia, nắng nóng khắc nghiệt và hiện tượng El Niño khiến nông dân phải hoãn vụ trồng trọt do nguồn nước suy giảm. Thông thường, nông dân ở Đông Nam Á canh tác hai vụ mỗi năm, tuy nhiên tình trạng hiện tại khiến một số nơi phải giảm xuống còn một vụ.
Kết hợp nhiều biện pháp ứng phó
Các quốc gia Đông Nam Á đều phải hành động khẩn cấp để thích ứng và bảo vệ sinh kế cho người dân, từ việc chủ động nghiên cứu phát triển với các giống lúa chịu hạn, các loại cây trồng đa dạng, các biện pháp tưới tiêu hiệu quả và hệ thống cảnh báo sớm.
Về nghiên cứu giống mới chịu hạn, các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á đã phát triển nhiều giống lúa có khả năng thích ứng với tình trạng thiếu nước. Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, có trụ sở tại Philippines, đã giới thiệu nhiều giống lúa chịu hạn, bao gồm giống Sahbhagi Dhan ở Ấn Độ, giống Sahod Ulan ở Philippines và giống Sookha Dhan ở Nepal.
Ở Indonesia, các nhà nghiên cứu đã xác định được 11 giống lúa chịu hạn có thể sinh trưởng trong điều kiện khô hạn hơn so với giống lúa thông thường, từ đó giúp nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do hạn hán.
Để canh tác lúa trong điều kiện khan hiếm nước, gần đây các chuyên gia cũng đề xuất biện pháp tưới tiêu hiệu quả là tưới ướt – khô xen kẽ, nhằm duy trì độ ẩm của đất chứ không cần để ngập nước liên tục. Ở Việt Nam, sáng kiến thí điểm chiến lược này đã được triển khai thông qua sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong trường đại học với nông dân. Các nhà khoa học cũng phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh kết nối với mạng cảm biến và máy bơm nước trên các cánh đồng, để giúp người nông dân theo dõi được lượng nước tưới tiêu. Nhờ đó, phương pháp này giúp giảm đáng kể lượng nước cần dùng trong canh tác lúa.
Dự báo thời tiết thường không đủ chi tiết để đưa ra quyết định chính xác trong canh tác nông nghiệp. Giờ đây, những hệ thống cảnh báo sớm có thể góp phần khắc phục vấn đề này bằng cách đưa ra dự báo nắng nóng tùy chỉnh theo các tiểu vùng khí hậu, cho phép nông dân đánh giá mức độ và thời gian của các đợt nắng nóng sắp tới.
Trước diễn biến nắng nóng nghiêm trọng ở Đông Nam Á, hiện nay, Tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO) và Liên minh châu Âu, với chính phủ các nước, đang phối hợp triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng khô hạn đang diễn ra, dự kiến sẽ kéo dài trong 4-5 tháng tới. Họ đặc biệt tập trung vào hệ thống cảnh báo sớm và hành động dự phòng. Những can thiệp này sẽ được đánh giá một cách có hệ thống để định hướng các chính sách trong tương lai.
“Hiện tại, chúng tôi đã có hệ thống dự báo giúp nắm bắt với độ tin cậy cao. FAO đang hợp tác với các quốc gia để đưa ra một loạt biện pháp bao gồm hỗ trợ tài chính, nông cụ, hạt giống và vật tư để thúc đẩy sản xuất, thức ăn chăn nuôi và nhiều hoạt động khác”, Hang Thi Thanh Pham, cán bộ cấp cao của FAO, cho biết trên trang thông tin của FAO.
Davide Zappa từ Liên minh châu Âu nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp dự phòng trên quy mô lớn. “Trong những năm qua, các hệ thống hành động dự phòng đã được triển khai ở Đông Nam Á. Giờ đây, các quốc gia đã đạt đến ngưỡng và kích hoạt các biện pháp đối phó với hạn hán. Điều này cho thấy hành động trước khi thảm họa xảy ra có thể là một công cụ hiệu quả để giảm thiểu tác động của hạn hán đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương như thế nào”.
Dù lúa vẫn là cây trồng chủ lực quan trọng nhưng nông dân ở Đông Nam Á vẫn phải đa dạng hóa các giống cây trồng bên cạnh mặt hàng lúa gạo truyền thống. Việc mở rộng, chuyển đổi sang trồng thêm các loại cây trồng khác như kê, sắn, cao lương (sorghum) có thể nâng cao đáng kể khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành nông nghiệp.
Những loại cây trồng này không chỉ có khả năng chịu hạn và nắng nóng tốt hơn mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Một số loại thậm chí còn được coi là “siêu thực phẩm”. Điều này cũng góp phần đa dạng hóa dinh dưỡng. Mặc dù gạo là nguồn cung cấp carbohydrate đáng kể nhưng nó lại thiếu một số chất dinh dưỡng thiết yếu có trong các loại ngũ cốc khác. Do vậy, việc tăng cường các loại cây trồng khác nhau có thể góp phần làm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Đơn cử như kê là loại cây có khả năng chịu hạn cao, có thể sinh trưởng ở những vùng đất nghèo dinh dưỡng, điều kiện khắc nghiệt mà không cần nhiều phân bón và thuốc trừ sâu. Hạt kê có hàm lượng protein, kali và vitamin B cao. Để ghi nhận những lợi ích của kê, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã xác định năm 2023 là “năm của kê”. Ở Đông Nam Á, Myanmar là nước sản xuất kê lớn nhất (và lớn thứ tư trên thế giới), kê cũng phổ biến (với số lượng ít hơn) ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Do được coi là siêu thực phẩm nên kê có giá gần gấp đôi gạo hoặc lúa mì.
Việc đa dạng hóa giống cây trồng cũng mang đến những lợi ích về mặt môi trường bằng cách giảm bớt những tác động tiêu cực của canh tác độc canh, đồng thời đa dạng hóa nguồn thu cho nông dân. Những loại cây trồng trên cũng là những ứng cử viên tối ưu để luân canh cây trồng, giúp cải thiện sức khỏe đất và giảm bớt sử dụng phân bón hóa học.
Tuy nhiên, việc phát triển các loại cây trồng thay thế ở Đông Nam Á vẫn còn hạn chế, bởi không chỉ đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nghiên cứu để cải thiện các giống cây trồng, mà còn phải có khả năng tiếp cận của thị trường. Đồng thời, việc phát triển các cây trồng thay thế cũng không dễ dàng trong ngày một ngày hai vì cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh việc ảnh hưởng, xáo trộn môi trường canh tác, thậm chí suy thoái môi trường khi thay thế các cây trồng chủ lực truyền thống.
Việc áp dụng các chiến lược thích ứng chủ động như vậy không chỉ giúp tăng cường khả năng phục hồi trước các đợt nắng nóng mà còn đóng góp cho sự bền vững và thịnh vượng của ngành nông nghiệp trong khu vực. Những nỗ lực hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nông dân mang đến hy vọng rằng Đông Nam Á có thể vượt qua những thách thức do nắng nóng gây ra và đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dân số ngày càng tăng.