Lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học
Thí sinh có 13 ngày để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, không chủ quan mà bỏ qua những quy định liên quan đến quy trình xét tuyển.
Từ ngày 18/7, thí sinh trên cả nước chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/. Hạn cuối đăng ký nguyện vọng là 17h ngày 30/7/2024.
Thí sinh có 13 ngày để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, ít hơn 9 ngày so với năm 2023. Dù vậy, thí sinh cần cẩn trọng từng bước trong quy trình đăng ký, tránh vội vàng mà bỏ sót hoặc nhầm lẫn các quy định liên quan mà để tuột mất cơ hội trúng tuyển.
Trong khoảng thời gian từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7/2024, thí sinh có thể đăng ký, điều chỉnh, bổ sung không giới hạn số lượng nguyện vọng. Theo các chuyên gia, thí sinh hãy tận dụng ưu điểm của quy định này, đăng ký nguyện vọng sớm lên hệ thống, nếu sau đó cần điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng thì lại đăng nhập hệ thống, tránh dồn vào những ngày cuối cùng.
Lưu ý quan trọng đầu tiên đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay là đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo. Đây là quy định đã được triển khai từ kỳ tuyển sinh năm 2023, tuy nhiên, qua thực tế triển khai, vẫn có không ít thí sinh nhầm lẫn, vẫn đăng ký theo tổ hợp xét tuyển của khối thi đại học như những năm trước. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả cơ sở đào tạo theo ngành, chương trình và được sắp xếp thứ tự từ 01 đến hết.
Để bảo đảm tối đa quyền lợi được xét tuyển tất cả dữ liệu mình có, thí sinh lưu ý phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện... theo quy định tại đề án tuyển sinh của các trường) tương ứng với ngành/chương trình mà thí sinh đăng ký xét tuyển. Tất cả nguyện vọng sẽ được xử lý trên hệ thống và bảo đảm mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký.
Liên quan đến cách sắp xếp nguyện vọng, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ “bí quyết” để hạn chế tối đa nguy cơ chẳng may không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào. Thí sinh chia các nguyện vọng mình dự định đăng ký theo ba nhóm có mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp, căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các dữ liệu liên quan của nguyện vọng dự định đăng ký (điểm chuẩn, phổ điểm, chỉ tiêu…).
Trong đó, nhóm 1 là các nguyện vọng có điểm chuẩn cao hơn từ 01 đến 03 điểm so với điểm thi; nhóm 2 là các nguyện vọng có điểm chuẩn tương ứng với điểm thi; nhóm 3 là các nguyện vọng thấp hơn từ 01 đến 03 điểm so với điểm thi để dự phòng. Thí sinh yêu thích nguyện vọng nào nhất và thấy phù hợp nhất với năng lực của mình thì đặt đó là nguyện vọng 1, tiếp dần đến hết.
Dường như năm nào cũng có một số thí sinh bị trượt nguyện vọng vào ngành, trường đại học mong muốn bởi những lý do rất đáng tiếc. Một trong những lỗi mà không ít thí sinh mắc phải là bỏ dở quy trình đăng ký, đến khi kết thúc thời hạn đăng ký, đăng nhập lại hệ thống mới biết các nguyện vọng mình đăng ký chưa được ghi nhận. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo, thí sinh cần thực hiện đúng, đủ các bước trong quy trình mới được hệ thống ghi nhận thành công.
Thí sinh phải ghi nhớ công việc ở từng thời điểm trong quy trình để thực hiện đúng, tuyệt đối không bỏ qua bất cứ khâu nào bởi không thể thực hiện lại các phần việc khi hệ thống đã đi qua bước đó. Khâu quan trọng nữa mà thí sinh cần lưu ý là ngay khi hoàn thiện quy trình đăng ký, cần thoát ra và đăng nhập lại hệ thống để kiểm tra xem các nguyện vọng đã được hệ thống ghi nhận thành công hay chưa, tránh để sau 17h ngày 30-7-2024 mới đăng nhập kiểm tra, lúc này, việc bổ sung không còn ý nghĩa.
Với hàng chục nghìn thí sinh đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học cũng đừng chủ quan, năm nào cũng có thí sinh bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vì cho rằng như vậy đã có một tấm vé vào đại học mà quên mất những điều kiện đủ để được chính thức công nhận trúng tuyển. Quy định bắt buộc là thí sinh phải đăng ký các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu không thì coi như không có nguyện vọng học ở các trường này.
Băn khoăn của nhiều thí sinh về việc có bắt buộc phải đặt nguyện vọng đã trúng tuyển sớm là nguyện vọng 1 hay không, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, thí sinh không bắt buộc phải đặt đó là nguyện vọng 1. Nếu thí sinh yêu thích, mong muốn học ngành/trường đã trúng tuyển sớm nhất thì hãy đặt là nguyện vọng 1. Trong trường hợp đặt ngành/trường trúng tuyển sớm là nguyện vọng thứ n, thì nếu các nguyện vọng phía trên bị trượt, khi hệ thống xét đến nguyện vọng này, thí sinh vẫn trúng tuyển.
Khâu quan trọng sau cùng khi thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển thành công là nộp lệ phí xét tuyển. Theo quy định, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến, thời gian từ ngày 31/7 đến 17h ngày 06/8/2024. Đây là bước cuối cùng mà thí sinh cần hoàn thiện để đủ điều kiện tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm nay.
Thí sinh tham khảo hướng dẫn các bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non dưới đây: