Làm đúng 4 bước con đang ăn vạ sẽ nín ngay
Trẻ em mất bình tĩnh, mè nheo là chuyện rất bình thường. Nếu bố mẹ có cách xử lý khéo léo, trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn và vâng lời.
Cách hành xử chung của nhiều trẻ nhỏ khi không được bố mẹ cho phép làm điều mình thích, đó là giận dỗi, gào khóc và đặc biệt là ăn vạ để thu hút bố mẹ chú ý đến.
Trong trường hợp này thì theo nhiều chuyên gia, không phải bà mẹ nào cũng giữ được bình tĩnh và sự kiên nhẫn để dỗ dành trẻ. Tuy nhiên, cách xử lý của bố mẹ khi rơi vào hoàn cảnh này lại có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành tính cách sau này của trẻ.
Tiểu Thất 4 tuổi, là con trai thứ hai của chị Từ Nguyệt (sống ở Trung Quốc). Trong kỳ nghỉ đông, cậu bé được mẹ chăm sóc và nuôi dạy tại nhà. Tiểu Thất và mẹ có một lời hứa với nhau rằng, vào mỗi buổi tối sau khi ăn xong, cậu sẽ dành nửa tiếng để học bài.
Lúc đó, Tiểu Thất đã vui vẻ đồng ý với yêu cầu của mẹ. Tuy nhiên, vào buổi tối hôm trước, khi Tiểu Thất đã dùng xong bữa cơm tối thì cậu đã đòi mẹ cho xem tivi 15 phút trước khi bước vào bàn học. Vì để thỏa mãn cho nhu cầu của cả hai mà chị Từ Nguyệt đã đồng ý.
Thế nhưng 15 phút trôi qua, Tiểu Thất vẫn say mê nhìn vào màn hình tivi mà không hề có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù chị Từ Nguyệt đã nhiều lần biểu hiện sự nhắc nhở, nhưng Tiểu Thất có vẻ như đã cố tình phớt lờ và giả đò như không nghe thấy.
Thái độ này đã khiến cho chị Từ Nguyệt vô cùng tức giận. Vì vậy, chị đã bất ngờ tắt TV và la mắngTiểu Thất, lập tức cậu bé khóc rống lên. Cuối cùng, bởi vì điều này mà chị Từ Nguyệt và chồng cãi nhau. Gia đình 3 người liền trở nên căng thẳng.
Trên thực tế, khi trẻ mất bình tĩnh và khóc, nhiều bậc phụ huynh cũng không giữ được cảm xúc mà có những hành vi mất kiểm soát, làm tổn thương đến trẻ. Vì vậy, để có thể xử lý được những tình huống này một cách khéo léo thì bố mẹ cần phải đưa ra được phương pháp đúng đắn và phù hợp.
Cho phép trẻ bộc lộ cảm xúc
Không riêng gì trẻ nhỏ, tất cả chúng ta đều sẽ bộc lộ nhiều cảm xúc khác nhau khi rơi vào những hoàn cảnh khác nhau. Đây là một biểu hiện tự nhiên của con người.
Vì thế nếu như trẻ mất bình tĩnh và khóc lóc vì không được đáp ứng nhu cầu như mình mong muốn, bố mẹ hãy xem đó là chuyện bình thường.
Việc được bộc lộ cảm xúc một cách thoải mái là phương pháp hiệu quả để trẻ trút bỏ bầu tâm sự trong lòng. Sau khi loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ lấy lại được tinh thần phấn chấn và thư thái hơn.
Lúc này, nếu bố mẹ la mắng và bắt ép trẻ phải kìm nén cảm xúc của mình, trẻ sẽ càng tỏ thái độ chống đối. Thậm chí còn bất mãn và thất vọng, bởi vì cho rằng bố mẹ không hiểu, không yêu thương chúng.
Bĩnh tĩnh quan sát, tìm hiểu nguyên nhân
Trong khi trẻ khóc, bố mẹ cần hạn chế việc gây áp lực lên trẻ. Bởi vì thời điểm này, trẻ đang mất bình tĩnh và không thể khống chế cảm xúc của mình.
Sau khi trẻ có vẻ đã vơi bớt đi sự giận dữ, bố mẹ hãy tiếp cận trẻ từ từ để tìm hiểu nguyên nhân. Việc bố mẹ thể hiện cảm xúc vồ vập, dỗ dành trẻ ngay khi trẻ khóc sẽ khiến cho trẻ “được nước lấn tới”.
Cảm giác được nuông chiều sẽ càng cho trẻ động lực để mè nheo và ăn vạ bố mẹ. Nếu bố mẹ giáo dục trẻ như thế, trẻ sẽ dễ trở nên hư hỏng.
Thay vào đó, việc đứng ở ngoài quan sát và tiếp cận trẻ từ từ sẽ có hiệu quả hơn. Đồng thời, trẻ vẫn sẽ cảm nhận được sự quan tâm đúng lúc của bố mẹ.
Dỗ dành trẻ bằng những lời động viên, khen ngợi
Sau khi trẻ có thể bình tĩnh lại, bố mẹ hãy ôm trẻ vào lòng để vỗ về trẻ. Đây là một hành động thể hiện sự yêu thương mà bố mẹ dành cho con cái.
Thêm vào đó, bố mẹ nên dành cho trẻ những lời an ủi, khen ngợi “có cánh”. Bởi vì hầu hết trẻ em đều thích được bố mẹ khen ngợi thay vì la mắng. Tâm trạng của trẻ sẽ tốt hơn rất nhiều nếu nhận được từ bố mẹ những lời nói ngọt ngào, tích cực.
Ngoài ra, để giáo dục trẻ tốt hơn trong tình huống này, bố mẹ nên dành thời gian để trò chuyện và giải thích cho trẻ hiểu.
Mỗi sự từ chối của bố mẹ khi được trẻ đòi hỏi, bố mẹ cần phải cho trẻ biết nguyên nhân. Khi trẻ đã nhận ra vấn đề và vui vẻ chấp nhận cách xử lý của bố mẹ, về sau trẻ sẽ hạn chế lặp lại lỗi sai đó.
Cho trẻ lựa chọn để chuyển hướng sự chú ý của trẻ
Bước cuối cùng để vấn đề được giải quyết trong vui vẻ khi trẻ mè nheo, khóc lóc đó là bố mẹ nên chuyển trọng tâm sự chú ý của trẻ. Nếu trẻ không tập trung vào tình huống này nữa, cảm xúc của trẻ sẽ ổn định hơn.
Bố mẹ nên liệt kê cho trẻ một vài sự lựa chọn mới để thu hút trẻ. Sau đó, để trẻ tự đưa ra quyết định mà bản thân mong muốn. Phương pháp này giúp trẻ có cảm giác được đáp ứng nhu cầu, vì thế mà trẻ sẽ cảm thấy thích thú và vui vẻ hơn.