Hơn 40.000 trẻ được cấp thẻ BHYT qua các thủ tục liên thông
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, việc thực hiện các thủ tục hành chính liên thông đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dân và các cơ quan nhà nước.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc tổng kết triển khai làm điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, gồm đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng.
Tính đến ngày 22/6/2023, bảo hiểm xã hội 2 địa phương (Hà Nội và Hà Nam) triển khai làm điểm đã tiếp nhận và giải quyết 40.338 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.403 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp mai táng qua 2 nhóm dịch vụ công liên thông này.
Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 33.548 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có 32.753 hồ sơ hợp lệ (98% tổng số hồ sơ) qua thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi"; 922 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp mai táng, trong đó có 335 hồ sơ hợp lệ (36% tổng số hồ sơ) qua thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng."
Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận 6.790 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có 6.618 hồ sơ hợp lệ (97% tổng số hồ sơ) qua thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú- cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi"; 481 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp mai táng, trong đó có 265 hồ sơ hợp lệ (55% tổng số hồ sơ) qua thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng."
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên thông đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dân và các cơ quan nhà nước. Người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần nhưng có thể giải quyết được 3 thủ tục hành chính kèm theo, qua đó thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ của người dân đã được giảm đáng kể. Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, việc thực hiện liên thông giúp giảm áp lực tại bộ phận “Một cửa” của các đơn vị, qua đó giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn.
Bên cạnh đó, việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông này còn tạo sự phối hợp, gắn kết, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân. Đây cũng là tiền đề để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu triển khai các nhóm thủ tục hành chính liên thông khác, ngày càng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, người lao động.
Để sẵn sàng cho việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trên toàn quốc, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Quy trình liên thông điện tử giải quyết nhóm thủ tục hành chính "Đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí"; Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông điện tử "Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi."
Hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm, cấu hình các dịch vụ công liên quan; tổ chức tập huấn cho bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đảm bảo việc triển khai đạt hiệu quả, thống nhất theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.