Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 01/12/2022 07:08 (GMT+7)

Hàng loạt chính sách mới, nổi bật có hiệu lực trong tháng 12/2022

Theo dõi GĐ&PL trên

Thay đổi cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao; quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 12/2022.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BTP ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong hành nghề, là cơ sở để Thừa phát lại rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, trách nhiệm nghề nghiệp, góp phần củng cố vị trí, vai trò của nghề Thừa phát lại trong xã hội.

Thông tư quy định những quy tắc chung như sau:

- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội: Thừa phát lại có nghĩa vụ trung thành, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Bảo đảm thượng tôn pháp luật, độc lập, khách quan, tôn trọng sự thật: Thừa phát lại phải thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, tự giác tuân thủ quy định của Quy tắc này trong hành nghề.

Thừa phát lại phải thực hiện công việc được giao chính xác, đầy đủ, trách nhiệm và có thái độ độc lập, khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật.

- Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp: Thừa phát lại có trách nhiệm tôn trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp.

Thừa phát lại phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình.

Thừa phát lại phải mặc trang phục theo quy định, đeo thẻ Thừa phát lại khi hành nghề.

- Rèn luyện, tu dưỡng bản thân: Thừa phát lại phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; chủ động học hỏi để trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng công việc, phục vụ người yêu cầu.

Thừa phát lại phải tận tâm với công việc; sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đầy đủ các yêu cầu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

- Bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công việc: Thừa phát lại có trách nhiệm giữ bí mật, hướng dẫn thư ký nghiệp vụ, nhân viên của Văn phòng mình giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong và sau khi giải quyết yêu cầu. Trường hợp cung cấp thông tin về việc thực hiện công việc cho người khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thừa phát lại có trách nhiệm bảo quản cẩn thận hồ sơ công việc trong quá trình giải quyết các yêu cầu, bàn giao đầy đủ hồ sơ công việc để lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong quan hệ của thừa phát lại với người yêu cầu; với đồng nghiệp, văn phòng thừa phát lại, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; với cơ quan thi hành án dân sự, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Thông tư số 08/2022/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2022.

Từ 01/12, Bộ Ngoại giao được bổ sung nhiều nhiệm vụ mới

Có hiệu lực từ 01/12, Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022 của Chính phủ bổ sung nhiều nhiệm vụ mới với Bộ Ngoại giao.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Nghị định số 81/2022/NĐ-CP bổ sung nhiệm vụ về thống nhất chủ trương bầu cử tại các diễn đàn, tổ chức đa phương để bảo đảm phù hợp với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.

Nghị định số 81 thể hiện rõ hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng đối ngoại hội nhập quốc tế để bảo đảm phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và yêu cầu thực tế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ các bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nghị định bổ sung nhiệm vụ "Tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước" để phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao cho Bộ Ngoại giao.

Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất chủ trì thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay.

Nghị định cũng bổ sung nhiệm vụ "Thực hiện cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lãnh sự danh dự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình theo quy định của pháp luật", để bảo đảm bao quát các nhiệm vụ Bộ Ngoại giao đang thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định tại Nghị định cũ, phù hợp với quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung nhiệm vụ về thực hiện đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm phù hợp với Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Những điểm mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao được quy định trong Nghị định gồm: Về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại.

Giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao; điều chuyển các nhiệm vụ về thi đua khen thưởng và truyền thống ngoại giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thu gọn đầu mối tổ chức, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Giảm 3 phòng tại các Vụ Châu Âu và Tổ chức Cán bộ.

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Ngày 26/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 triệu đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tổ chức giảng dạy theo kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo, thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy, sổ giáo án; Không tổ chức giảng dạy đúng cấu trúc thời gian đào tạo lý thuyết, thời gian đào tạo thực hành của từng môn học, mô đun trong chương trình đào tạo. Đối với hành vi tổ chức cho người học bảo vệ khóa luận tốt nghiệp không đủ điều kiện theo quy định bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. Ngoài ra, hành vi xét công nhận tốt nghiệp cho người học khi chưa đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đáng chú ý, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học bị phạt tiền như sau: Khi vượt quá quy mô lớp học từ 30 - 50% bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; Khi vượt quá quy mô lớp học từ 50% trở lên bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

Nghị định có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.

Quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại

Ngày 28/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2022/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

Theo đó, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo một số nguyên tắc. Cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo giá thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại. Việc miễn hoặc giảm giá cho thuê nhà thấp hơn giá thị trường do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định trên nguyên tắc "có đi có lại", phù hợp với quan hệ đối ngoại của Nhà nước…

Đối với quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức hỗ tương, căn cứ Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện thỏa thuận với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được sử dụng nhà để ký Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) sử dụng nhà quy định về trách nhiệm các bên trong thời gian sử dụng.

Ngoài ra, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại tổ chức thực hiện bàn giao nhà, đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Điều ước quốc tế; tổ chức thực hiện tiếp nhận, bảo vệ nhà, đất do tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trả lại khi hết thời hạn sử dụng hỗ tương…

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất

Ngày 18/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Theo đó, bổ sung quy định về các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể:

Một là, hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất không xảy ra phản ứng hóa học tạo thành hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân.

Hai là, thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.

Tổ chức, cá nhân sử dụng tiền chất công nghiệp để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa khác phải thực hiện các quy định tại Chương V của Luật hóa chất. Ngoài ra, phải có đầy đủ hóa đơn mua tiền chất công nghiệp, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà cung cấp các loại tiền chất công nghiệp, có phiếu xuất kho, nhập kho; phải lập sổ theo dõi tình hình sử dụng tiền chất công nghiệp với các thông tin theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng tiền chất công nghiệp, tổ chức, cá nhân phải có biện pháp quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm thất thoát tiền chất công nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.

Chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Ngày 09/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và quy hoạch các bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để đảm bảo việc đầu tư mới các bến khách phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư công 2020 trong trường hợp sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư; ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng công-ten-nơ ở phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hướng dẫn các địa phương có quy định cụ thể các điều kiện để đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa ở ngoài đê được hoạt động hiệu quả trong mùa mưa lũ.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/12/2022.

Viên chức ngành Tài nguyên môi trường được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học

Ngày 24/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTNMT về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường.

Cụ thể, theo quy định mới, một số chức danh như địa chính viên hạng II, địa chính viên hạng III, địa chính viên hạng IV cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sau: có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm hoặc ngành, chuyên ngành đất đai, địa chính, bản đồ, trắc địa, viễn thám, địa lý; có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính (bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học so với quy định cũ).

Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài các tiêu chuẩn đã được quy định, địa chính viên hạng III phải có thêm kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm. Viên chức thăng hạng từ chức danh địa chính viên hạng III lên chức danh địa chính viên hạng II phải có thời gian công tác giữ chức danh địa chính viên hạng III hoặc tương đương đủ từ 9 (chín) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh địa chính viên hạng III đủ từ 2 (hai) năm trở lên (quy định cũ 1 năm).

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/12/2022.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.