Hà Nội hiện có 7 ổ dịch phức tạp: Người nào có 3 triệu chứng sau cần khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm ngay
Hiện nay, dịch bệnh tại Hà Nội có những diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch lớn nhỏ khác nhau. Để sớm phát hiện ra các trường hợp dương tính CDC Hà Nội khuyến cáo người dân khi có ho, sốt, mất vị giác cần khai báo y tế để được lấy mẫu xét nghiệm.
3 triệu chứng cần phải lưu ý
Từ 18h00 ngày 31/8 đến 6h00 ngày 1/9, Hà Nội ghi nhận thêm 30 ca bệnh mới, đều đã được cách ly (8 ca tại khu cách ly và 22 ca tại khu phong tỏa). Các ca bệnh mới đều ở chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng, phân bố ở 4 quận, huyện: Thanh Xuân (23 ca), Đống Đa (3 ca), Hà Đông (2 ca), Đan Phượng (2 ca).
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 3298 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1547 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1751 ca.
Theo cập nhật của CDC Hà Nội, từ ngày 20/8 – 31/8, thành phố có 7 ổ dịch phức tạp : Thanh Xuân Trung, Văn Miếu, Văn Chương, Giáp Bát, Hoàng Liệt, Kim Mã, Tân Lập.
Trong đó, ổ dịch Thanh Xuân Trung ghi nhận số ca tăng nhanh. Vào ngày 23/8 tại ổ dịch này ghi nhận 3 ca dương tính. Chỉ trong 8 ngày, số ca dương tính đã tăng lên 349 ca. Đối với ổ dịch Văn Miếu, số ca dương tính vẫn phát hiện rải rác từng ngày với tổng số 53 ca. Một số ổ dịch khác là Văn Chương, tổng số ca dương tính (24 ca), Giáp Bát (47 ca), Hoàng Liệt (40 ca). 2 ổ dịch còn lại là Kim Mã (15 ca) và Tân Lập (10 ca) mới ghi nhận ca dương tính vào ngày 28/8.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội có nhiều ca dương tính được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng, nhưng chỉ khi triệu chứng nặng hơn, phải đến cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm thì người dân mới chịu khai báo.
Ông Tuấn lưu ý người dân: "CDC Hà Nội mong những người có triệu chứng ho sốt, đau họng, mất vị giác… cần khai báo y tế lấy mẫu xét nghiệm ngay".
Dịch đã lây lan ra gần khắp thành phố
TS. Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, thuộc Đại học Sydney cho biết, dịch đã lây lan ra gần khắp thành phố Hà Nội nhưng tập trung nhiều ở các khu đông dân tại quận/huyện Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, và Đông Anh.
Trong tổng số 2.937 ca phát hiện từ 27/4 đến nay, có tới 52% số ca được phát hiện tại cộng đồng. Riêng trong tháng 8, có tới gần 80% số ca nhiễm là người tiếp xúc gần của những ca ho sốt tại cộng đồng được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV 2.
Cứ 10 ca nhiễm virus thì có 1 ca phát hiện qua các biện pháp sàng lọc, cho thấy sàng lọc có vai trò nhất định trong phát hiện sớm các ổ dịch, từ đó truy vết F1. Đông Anh, Thanh Trì, Thanh Xuân và Đống Đa là các quận/huyện phát hiện tới hơn 50% tổng số ca dương tính là F1 của người ho sốt tại cộng đồng.
TS. Thu Anh cho hay ổ dịch Văn Chương - Văn Miếu kéo dài hơn 1 tháng, nguy cơ lan rộng ngoài vòng phong tỏa là rất cao. Ổ dịch này được phát hiện do 1 người dân đi khám bệnh viện do ho sốt, được xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện; tới ngày 26/8 đã có gần 140 ca.
Sau 5 tuần, các ca nhiễm lan rộng dần ra, tạo thành 'cánh cung' Văn Chương, Văn Miếu, bao trọn khu vực nằm giữa đường Nguyễn Thái Học, Cát Linh, Hàng Bột, Khâm Thiên và Lê Duẩn.
Đây là khu vực rất đông dân, nhiều nhà nhỏ hẹp trong các ngõ ngách, gần ga tàu hỏa là nơi nối trục giao thông với các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Ổ dịch này đã lan ra xa hơn, tới Linh Quang, Trung Liệt, và thậm chí Láng Thượng, cách nơi xuất phát từ 2-6km. Nếu không phong tỏa rộng, xét nghiệm lặp lại và hỗ trợ an sinh cho người dân thì đây có thể trở thành một ổ dịch vô cùng khó kiểm soát.
Chùm Thanh Xuân Trung có đường kính vùng lõi dịch bệnh tới 2km, nằm trong khu vực có đường kính 4,5km bao phủ các ca đơn lẻ của cả chùm bệnh. Mật độ dân cư của khu này lên tới 40.000 người/km2, cao gấp 16 lần mật độ dân cư trung bình tại Hà Nội. Đây là dấu hiệu chỉ điểm cho một ổ dịch lớn, đòi hỏi phải tập trung nhiều nguồn lực.
Chùm ca bệnh tại Thanh Xuân Trung được phát hiện từ một ca ho sốt cộng đồng đi khám tại cơ sở y tế, được xét nghiệm sàng lọc. Trong 6 ngày đầu tiên, số ca nhiễm đã tăng lên thành 164 ca. Người nhiễm virus trong chùm này gồm những người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc tại các cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, nhân viên bán hàng, bảo vệ siêu thị, người hay đi chợ/mua đồ/cắt tóc và cả những người thường xuyên ở nhà nên không rõ nguồn lây. Nhiều người đã có dấu hiệu ho sốt, chứng tỏ chùm ca bệnh này đã lây lan 1 thời gian.