Hà Nội: Giảm 40 ca sốt xuất huyết so với tuần trước
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội, trong tuần qua trên địa bàn Thành phố ghi nhận 234 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 28 quận, huyện (
Cụ thể, các quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc là Đan Phượng có 63 ca; Thanh Oai có 22 ca; Phúc Thọ và Hà Đông - mỗi nơi 15 ca.
Ngoài ra, các xã, phường ghi nhận nhiều ca mắc là xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) có 29 ca; xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) 7 ca; xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) 7 ca; phường Dương Nội (quận Hà Đông) 6 ca mắc.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết của toàn thành phố là 2.284 ca, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2023.
Về ổ dịch, trong tuần qua ghi nhận 17 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Đống Đa, Đông Anh, Thạch Thất và Thường Tín (tăng 2 ổ dịch so với tuần trước đó).
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 104 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 34 ổ dịch đang hoạt động. CDC Hà Nội đánh giá, với điều kiện thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều như hiện nay dễ phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nếu như không triển khai triệt để các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi.
Trong tuần qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch đang hoạt động. Qua đó, ghi nhận ổ bọ gậy tại nhiều dụng cụ như: Bể hở, lốp xe phế liệu, chậu cảnh, xô, chậu, chum, vại…
Công tác phòng, chống sốt xuất huyết sẽ tiếp tục được tăng cường trong tuần tới. Cụ thể, CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tập trung nguồn lực xử lý triệt để tại các khu vực ổ dịch; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi bảo đảm tỷ lệ phun triệt để cao; triển khai vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực nguy cơ có chỉ số côn trùng cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trong vòng 50 năm qua. Ước tính hằng năm có khoảng 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 100 quốc gia có dịch bệnh lưu hành.
Gánh nặng kinh tế toàn cầu do sốt xuất huyết gây ra ước tính rơi vào khoảng 8,9 tỷ USD hằng năm. Trong đó, 40% thiệt hại kinh tế gây ra bởi năng suất lao động bị ảnh hưởng, khi người bệnh phải nghỉ làm hay nhập viện điều trị.
Hằng năm Việt Nam có hàng trăm ngàn ca nhiễm và hàng chục ca tử vong do mắc sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn, tuy nhiên nhiều năm qua chưa có vắc-xin phòng ngừa, các biện pháp kiểm soát nguồn lây như tiêu diệt muỗi trung gian truyền bệnh còn gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, năm 2023 cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người trong đó đã tử vong. Sốt xuất huyết có 4 nhóm huyết thanh gây bệnh, không tạo miễn dịch chéo nên mỗi người có thể mắc bệnh 4 lần trong đời và những lần mắc sau sẽ nặng hơn do sự ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo.
Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu,..