Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 25/07/2023 07:47 (GMT+7)

Hà Nội ghi nhận thêm 19 ổ dịch sốt xuất huyết, số ca tay chân miệng giảm

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần từ 14 - 21/7, địa bàn thành phố có thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó) và 19 ổ dịch tại 11 quận, huyện. Số bệnh nhân nhiều nhất thuộc các quận, huyện: Thạch Thất, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 19 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện, nâng tổng số ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay trên địa bàn lên 91 ổ dịch, trong đó có 40 ổ dịch đang hoạt động. Các địa bàn có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết như: xã Phùng Xá, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); thôn Nguyên Hanh (xã Văn Tự, huyện Thường Tín); cụm 8 - 9 - 13 Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì); thôn Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên).

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.556 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã; 320/579 xã, phường, thị trấn.

Trong tuần qua, thành phố ghi nhận 29 ca mắc tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay lên 961 trường hợp, giảm so với cùng kỳ năm trước; ghi nhận một ổ dịch tay chân miệng tại quận Bắc Từ Liêm (2 ca), nâng tổng số ổ dịch ghi nhận trong năm 2023 lên 32 ổ dịch, trong đó chỉ còn một ổ dịch đang hoạt động.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục có xu hướng gia tăng, xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại khu vực ổ dịch cũ, tại các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Trong tuần, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận giảm so với tuần trước đó. Hầu hết, các ca mắc là tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp.

Để ngăn ngừa dịch bùng phát, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Trung tâm tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và tại các bệnh viện được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý dịch kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bùng phát. Trung tâm thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời.

Cùng chuyên mục

Bệnh lao trẻ em: Hiểu đúng để điều trị sớm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số trẻ mắc lao chiếm từ 10-12% tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 10,6 triệu ca mắc lao mới trong đó có 1,2 triệu ca ở trẻ em dưới 15 tuổi và khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.
Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam (dân gian gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa lành một số bệnh thông thường.

Tin mới