Giáo viên chưa hứng thú lựa chọn sách giáo khoa để dạy học
Không có một bộ sách nào hoàn hảo nên giáo viên phải tham khảo, sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để giúp học sinh có tài liệu học tập phù hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa là do hiệu trưởng thành lập để quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa, sau đó Phòng Giáo dục và Đào tạo là đơn vị duyệt đối với các trường khối Tiểu học, Trung học cơ sở, còn với khối Trung học phổ thông là Sở Giáo dục và Đào tạo.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Hội đồng sẽ đề xuất danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.
Liên quan đến vấn đề này, Ngày Nay đã lấy ý kiến một số giáo viên:
Thạc sĩ Phan Thế Hoài - Giáo viên trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM):
Ưu điểm của dự thảo đó là quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phổ thông do hiệu trưởng các nhà trường phổ thông thành lập. Hội đồng giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Nghĩa là, giáo viên, tổ chuyên môn sẽ có nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa so với Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT.
Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Thông tư này được cho là có kẻ hở dẫn đến việc lựa chọn sách giáo khoa có thể thiếu minh bạch, các nhà xuất bản cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng việc “đi đêm” với người có thẩm quyền.
Vì vậy, khi dự thảo Thông tư được thông qua thì việc lựa chọn giáo giáo khoa hi vọng sẽ minh bạch, khách quan và tiếng nói giáo viên, nhà trường được tôn trọng, lắng nghe. Như thế, giáo viên phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa để chọn được một bộ sách phù hợp với đối tượng học sinh của từng địa phương.
Tuy vậy, nếu các nhà trường chỉ căn cứ vào Thông tư để lựa chọn sách giáo khoa và sau đó bám vào sách để dạy là rất khó thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bởi lẽ, không có một bộ sách nào hoàn hảo cả, giáo viên cần tham khảo, sử dụng ngữ liệu các bộ sách, kể cả ngữ liệu ngoài sách giáo khoa giúp học sinh có thêm nhiều tài liệu tham khảo phù hợp.
Tốt nhất là giáo viên cần căn cứ vào chương trình và viết riêng cho mình một giáo trình thì việc dạy học mới thành công. Một giáo trình phù hợp phải đảm bảo các yếu tố: Khoa học, sư phạm và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Quan điểm cá nhân tôi mong muốn, sau khi lựa chọn sách giáo khoa, các cơ sở giáo dục phổ thông lập hồ sơ lựa chọn sách gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo để báo cáo là đủ.
Như thế, dự thảo Thông tư nên bỏ nội dung: “Căn cứ vào kết quả của các trường do sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các trường tại địa phương”.
Vì mỗi khi hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của các nhà trường đã làm xong nhiệm vụ thì việc thì việc cơ quan quản lý giáo dục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt chỉ còn là thủ tục hành chính.
Thầy Hồ Sỹ Đông - Giáo viên trường THCS Võ Nguyên Giáp, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang:
Giáo viên có đủ trình độ để chọn sách giáo khoa của các giáo sư - tiến sỹ viết và thẩm định hay không? Trong khi chính giáo viên còn còn phải dựa vào sách để dạy. Giáo viên chúng tôi cần một bộ sách giáo khoa chuẩn và thiết bị dạy học đầy đủ, tránh “dạy chay”, “học chay” như từ trước đến nay.
Thời gian qua, ngành giáo dục đã thực hiện việc đổi mới 4 năm ở Tiểu học, 3 năm ở cấp Trung học cơ sở, 2 năm ở cấp Trung học phổ thông nhưng thiết bị dạy học không có, hoặc có chỉ để tượng trưng. Thực tế, giáo viên vẫn phải “dạy chay”, “học chay”.
Sĩ số học sinh quá đông (1 lớp từ 47 - 50 học sinh), giáo viên không thể dạy theo cái phương pháp có tên gọi mỹ miều "phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực". Thêm nữa, học sinh ngồi “nhầm” lớp quá nhiều, giáo viên vẫn phải đạt những chỉ tiêu cao ngất ngưởng về học lực cũng như hạnh kiểm nên dẫn đến chất lượng giáo dục trên giấy thì như mơ nhưng chất lượng thực thì như… ác mộng
Như vậy, liệu giáo viên có đủ trình độ để chọn bộ sách giáo khoa có chất lượng không? Trong khi, sách giáo khoa là do đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ viết ra? Cả một đội ngũ Giáo sư - Tiến sĩ “hùng hậu” thẩm định mà sách giáo khoa còn đầy sạn, đầy đá tảng. Giáo viên chúng tôi cần một bộ sách giáo khoa chuẩn phổ thông. Trong quá trình giảng dạy chúng tôi cố gắng sáng tạo về phương pháp giảng dạy sao cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Đừng vẽ ra nhiều chuyện "không tưởng" làm giáo dục ngày một thêm rối.
Giáo viên khó có thể thực hiện chọn sách giáo khoa có chất lượng. Cũng bởi, trình độ của giáo viên hiện nay trong các trường học đặc biệt là cấp Tiểu học, Trung học cơ sở dù có bằng cấp là đại học nhưng việc dạy học vẫn dựa vào “sách giáo viên” thì không có khả năng thẩm định sách giáo khoa. Giáo viên cũng không có thời gian để ngồi đọc, nghiên cứu để chọn sách giáo khoa bởi họ còn tất bật cho việc soạn giáo án, làm báo cáo kinh nghiệm và nỗi lo cơm – áo - gạo tiền.
Đồng lương đã thấp, giáo viên còn phải đóng những khoản tiền cấp trên vận động dưới hình thức “tự nguyện" nhưng thực ra là bắt buộc. Họ phải dành thời gian làm thêm kiếm tiền lo có gia đình. Thế nhưng, giáo viên làm công việc chọn sách giáo khoa chắc chắn không có một chế độ thì cũng khó quan tâm đến việc dạy thể loại sách nào?