Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường
Với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chuẩn bị bước sang năm thứ 5 triển khai, với việc phê duyệt, đưa vào sử dụng sách giáo khoa của 3 lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12). Tuy nhiên, quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập khiến một số nhà trường lúng túng.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư mới, trong đó, trao quyền lựa chọn sách giáo khoa về cho các cơ sở giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Thay đổi quy định lựa chọn sách giáo khoa
Trong năm đầu tiên sách giáo khoa mới được đưa vào giảng dạy (2020), Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên và các trường.
Thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, gồm 4 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) và bộ sách Cánh Diều do Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam phối hợp với một số nhà xuất bản tổ chức biên soạn.
Sang đến năm học thứ 2 (năm học 2021 - 2022), Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 01 về chọn sách giáo khoa, quy định thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa là UBND tỉnh, thành phố, theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019. Cũng trong năm này, khi biên soạn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thay đổi chủ trương, hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ: Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”.
Từ đó cho đến nay, có 3 bộ sách giáo khoa được Bộ phê duyệt sử dụng. Đó là: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều. Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Cụ thể, trên cơ sở danh mục sách giáo khoa đề xuất từ nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp trình hội đồng lựa chọn sách bỏ phiếu biểu quyết. Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ kết quả này trình UBND tỉnh ra quyết định chọn các đầu sách giáo khoa được sử dụng tại địa phương.
Tuy nhiên, khi kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các tỉnh, thành phố được công bố thì cũng là lúc xuất hiện bất cập, có hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn sách giáo khoa.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá: “Quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh”. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 25 theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa. Về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ sách giáo khoa nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, để lấy ý kiến góp ý của dư luận. Điểm đáng chú ý của dự thảo lần này, đó là trao quyền lựa chọn sách giáo khoa về cho các nhà trường thay vì UBND cấp tỉnh như Thông tư 25. Chủ tịch hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông là hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng, cũng như giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, nhà trường
Ghi nhận ý kiến từ phía các giáo viên, nhà trường cho thấy, nhiều quan điểm đồng tình với việc chuyển hội đồng lựa chọn sách giáo khoa về cơ sở giáo dục. Bởi sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tài liệu dạy học quan trọng mà người sử dụng trực tiếp là giáo viên, học sinh.
Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, cha mẹ học sinh được cho là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Việc quy định tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học tham gia lựa chọn sách giáo khoa như trong dự thảo cũng cho thấy khía cạnh chuyên môn được đề cao.
Song việc giao quyền tự chủ cho các trường cũng đòi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi giáo viên phải ý thức sâu sắc về quyền và vai trò của mình, không qua loa chiếu lệ, không phó mặc trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Đồng thời, cần có quy chế chặt chẽ để hiệu trưởng và cấp trên không thể can thiệp và thao túng vào quyết định lựa chọn sách giáo khoa của giáo viên.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng: Quy định mới trong dự thảo trả lại đúng vai trò cho giáo viên và các cơ sở giáo dục. Thầy cô là người hiểu rõ điều kiện và hoàn cảnh của học sinh từng nơi, từng vùng để từ đó chọn những bộ sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, các trường phải làm một cách nghiêm túc, cần vì yêu cầu đổi mới giáo dục cho từng đối tượng học sinh để lựa chọn đúng bộ sách giáo khoa phù hợp, không bị tác động bởi yếu tố khác. Khi được làm chủ phải thực sự tròn trách nhiệm, tránh làm mất đi tính khách quan.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng chia sẻ: Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục phổ thông là hợp lý nhất và ở nhà trường thì giáo viên là người trực tiếp giảng dạy. Họ đọc nhiều sách giáo khoa của môn mình dạy, thảo luận trong tổ bộ môn để tìm ra sách giáo khoa nào là thích nhất, phù hợp nhất với học sinh của trường. Bên cạnh đó, phụ huynh là người bỏ tiền mua sách giáo khoa, cũng có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, thầy Khang cũng nêu băn khoăn: Các cơ sở giáo dục nhiều năm nay đã sử dụng sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8,10 và 11 khá ổn định. Vậy, cần làm rõ nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư mới về việc lựa chọn sách giáo khoa thì các cơ sở giáo dục có phải tổ chức lựa chọn lại sách giáo khoa đang sử dụng theo quy định mới không?
Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) bày tỏ: Để tăng vai trò, trách nhiệm của cơ sở giáo dục với việc lựa chọn sách giáo khoa như trong dự thảo, các nhà trường cần có giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay như: không bảo đảm đủ thời gian nghiên cứu hết các bộ sách; một số giáo viên chưa đủ khả năng đánh giá sách giáo khoa; có môn học, nhà trường chỉ có một giáo viên nên việc đánh giá dễ mang tính chủ quan…
Nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục, thầy Nguyễn Hồng Sơn cũng kiến nghị cần bảo đảm nguồn kinh phí cho tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Hiện nay, nguồn kinh phí được phân bổ chưa rõ ràng nên cơ sở giáo dục khó khăn trong công tác tổ chức, đặc biệt là chi kinh phí cho thành viên tham gia công tác này.