Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 25/12/2021 20:09 (GMT+7)

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch phải được xem xét hài hòa với tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội

Theo dõi GĐ&PL trên

Chiều nay (25/12), tại Nghệ An, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức phiên toàn thể của Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”.

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch phải được xem xét hài hòa với tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 1.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dự Hội thảo. Về phía Bộ VHTTDL có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Đoàn Văn Việt.

Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch chi tiết trên cơ sở thí điểm đón khách du lịch quốc tế

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đến ba vấn đề đó là nhìn lại những dấu ấn của Việt Nam trước thời điểm dịch bệnh COVID-19; Thứ hai là những nốt lặng buồn trong đại dịch COVID-19; Thứ ba là sự nỗ lực trong chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của các cộng đồng doanh nghiệp để phục hồi ngành du lịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trước thời điểm đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước đã sớm nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực để đồng bộ về mặt thể chế nhằm đưa ngành du lịch phát triển.

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch phải được xem xét hài hòa với tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 2.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo

Du lịch Việt Nam trước đại dịch COVID-19 đã đạt được nhiều dấu ấn, năm 2019, du lịch đã đóng góp 10% GPD, đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Trong 3 năm liền, Việt Nam được các tổ chức quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á.

Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Năm 2020, lượng khách du lịch nội địa giảm 59%, khách quốc tế giảm 80%. Năm 2021, khách nội địa giảm 57%, doanh thu trong lĩnh vực du lịch giảm nặng nề, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động du lịch bị mất việc làm…"Đó chính là những nốt lặng rất đáng buồn của ngành du lịch" - Bộ trưởng trăn trở.

Bộ trưởng cho biết, với quan điểm trong nguy có cơ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch phục hồi ngành du lịch song hành với các ngành kinh tế khác. Trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa phục hồi, du lịch nội địa đã trở thành cứu cánh cho ngành du lịch. Bằng các chính sách cụ thể, Quốc hội, Chính phủ cũng đã đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp du lịch để vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, nền kinh tế bắt đầu hồi phục trong đó có du lịch. Mới đây nhất, chúng ta đã đón hàng ngàn khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin, đây là tín hiệu rất vui mừng đối với ngành du lịch. Đây chính là thông điệp đến bạn bè quốc tế về "Việt Nam là điểm đến an toàn".

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch phải được xem xét hài hòa với tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 3.
Toàn cảnh Hội thảo.

Về một số giải pháp phục hồi ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, qua Hội thảo lần này cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam; đồng thời đưa ra các chính sách giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch. Bộ VHTTDL sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, có tính khả thi cao về phát triển du lịch trong thời gian tới trên cơ sở sơ kết thí điểm đón khách du lịch quốc tế và phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đồng thời đẩy mạnh số hóa trong ngành du lịch; Phân tích, dự báo thị trường du lịch để xác định các thị trường trọng điểm; Mỗi địa phương cần xây dựng một sản phẩm du lịch và có sự liên kết với nhau; Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng tiêu chí an toàn mới tại các điểm đến.

Xem xét hài hòa các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch với chiến lược phát triển KTXH

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, chủ đề "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển" của Hội thảo có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch phải được xem xét hài hòa với tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 4.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội thảo.

Khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, ngành du lịch có vị trí, vai trò rất quan trọng, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động của ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Đồng thời làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới.

"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần được xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước" - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chia sẻ về chia sẻ 2 vấn đề đối với phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thứ nhất là tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hoá dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lớn, đồng thời giúp người dân cải thiện sinh kế, tiếp cận với văn minh bên ngoài qua du khách.

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch phải được xem xét hài hòa với tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 5.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo.

"Làm du lịch cộng đồng tưởng chừng dễ nhưng rất khó. Ví dụ những thứ hoang sơ nguyên vẹn mới giá trị nhưng nhiều khi chúng ta lại phá vỡ bằng những thứ hiện đại, tưởng chừng tốt nhưng về lâu dài lại không tốt. Đều này rất cần những doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm, phối hợp với chính quyền địa phương để đầu tư, kết nối với các cộng đồng du lịch", Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai là cần khẩn trương số hoá các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là văn hoá. "Ngành du lịch đã có chiến lược, tầm nhìn, giải pháp lớn, vấn đề là thực hiện" Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý phải thực hiện thật tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn thay vì "vội vã mở ra nhưng không kèm theo những biện pháp thật chắc chắn", trước mắt là khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ ba, bảo đảm có đủ thuốc điều trị.

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).

Tin mới

Mộc Kim Spa & Beauty - Thư thái với sự kết hợp gội đầu và massage trị liệu tại Quận 1 TP.HCM
Cuộc sống bận rộn, áp lực công việc khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng? Hãy để Mộc Kim Spa & Beauty trở thành điểm dừng chân lý tưởng giúp bạn tái tạo năng lượng và tận hưởng sự thư thái tuyệt đối. Với không gian đậm chất thiên nhiên, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp đỉnh cao và đội ngũ nhân viên tận tâm, Mộc Kim Spa sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thư giãn trọn vẹn.
FDA Mỹ phát hiện thuốc điều trị hen suyễn Singulair có thể ảnh hưởng đến não bộ
Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện rằng thuốc hen suyễn phổ biến Singulair, do Merck sản xuất trước đây, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở một số bệnh nhân. Thuốc này, với thành phần chính là montelukast, gắn vào nhiều thụ thể trong não có vai trò quan trọng đối với các chức năng tâm thần.