'Đóa hoa' trong tâm dịch: Chuyện kể về những người phụ nữ kiên cường
Ngày Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi lựa chọn bác sĩ Nguyễn Đặng Phương Ngọc để chị kể câu chuyện chống dịch suốt 4 tháng qua của mình. Tuy nhiên, chị dành toàn bộ tâm tư, tình cảm của mình để kể về những người phụ nữ kiên cường nhất của chị.
Chúng tôi biết BS Nguyễn Đặng Phương Ngọc trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất tại TP.HCM. Những cuộc gọi lách len qua hàng trăm công việc mà chị phải làm hằng ngày, để hỗ trợ bệnh nhân.
Ngày dịch bệnh "hạ nhiệt", bệnh viện dã chiến giải thể, chị vẫn miệt mài ở Trung Tâm Y tế để hỗ trợ và chưa về nhà.
Tôi đặt vấn đề với Ngọc rằng chị hãy làm nhân vật cho ngày 20/10 của chúng tôi. Nhưng chị đã dành toàn bộ cuộc chuyện trò của mình, để kể về những người phụ nữ kiên cường nhất đối với chị.
Là người bà đã ra đi vì Covid-19, khi chị đang đi chống dịch.
Là người mẹ mắc Covid-19 trở nặng, phải thở oxy nhưng giấu con để con yên tâm công tác.
Ngoại ơi!
“Ngoại ước gì có liều thuốc nào làm ngoại c.hết đi, để không đau đớn nữa”. Đó là những lời cuối cùng mà ngoại nói với Ngọc, khi bà đang nằm trên giường bệnh chữa trị Covid-19.
Khi ngoại đang "chiến đấu" với Covid-19, chị vẫn đang miệt mài ở các khu phong tỏa, cách ly để lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.
Mỗi tối, chị đều dành thời gian trò chuyện với bà. Bà nằm thiêm thiếp trên giường, kiệt sức, không thể ăn, cũng chẳng thể uống. Ngày nào điện thoại, bà cũng khóc chỉ muốn được về nhà với con cháu. Từng lời, từng lời của ngoại như cứa vào ruột gan chị.
Và rồi ngoại cũng ra đi.
Ngọc mở điện thoại, tin nhắn thông báo ngoại đã được tẫn liệm khiến đôi tay chị run run. Ngày 9/8, ngoại được đưa đến Trung tâm hỏa táng Hòa Lạc Viên, Long Thành, Đồng Nai để hỏa táng.
BS Ngọc kể: "Ngoại mình là một thợ may lành nghề, bà khéo tay lắm. Dịp Tết năm nay, bà may 2 chiếc áo dài. Một chiếc cho mình, bà nói mình nhất định phải mặc vào dịp đám hỏi, chiếc còn lại là cho bà.
Ngoại nói rằng ngoại già rồi không biết sau này còn may đồ cho con nổi không. Và... đó cũng là lần cuối mà bà có thể may áo cho mình", Ngọc nói.
Mỗi lần về nhà thắp nhang, chị lại nhìn thấy những chiếc áo dài đầy kỷ niệm với bà. "Mình luôn cố tỏ ra mạnh mẽ với gia đình, bạn bè, động viên bệnh nhân. Nhưng những lúc mình ở một mình, là lúc mình yếu đuối nhất. Từ khi ngoại mất đến nay, mình chưa có một giấc ngủ nào là bình yên, cứ bồn chồn, khó chịu và quay quắt. Mất đi ngoại, mất đi người phụ nữ thương quý nhất đời, lòng mình có thêm khoảng trống vô định
Người phụ nữ thứ hai
Là bác sĩ, chứng kiến sự ra đi của các bệnh nhân mắc Covid-19, lần nào chị cũng run run, nghẹn ngào. Nỗi đau mất bà quả thực quá lớn, nó khiến tim chị thắt lại, nước mắt tuôn rơi. Không ai có thể kề cận bên ngoại, lúc bà nhắm mắt. Chị cố lấy lại bình tĩnh để gọi về cho mẹ. “Mẹ mình mắc bệnh tim. Khi hay tin ngoại mất, mình gọi về cho mẹ để xem bà có ổn không”, Ngọc kể.
Khi nhận hài cốt của ngoại, mình mang về nhà. Đó cũng chính là ngày mà mẹ BS Ngọc mắc Covid-19. Ngày hôm sau, mẹ gọi điện cho Ngọc nói rằng bà mệt mỏi, sau đó là khó thở.
Ngay trong đêm, chị mượn xe của một đồng nghiệp cùng cơ quan, chạy xuyên màn mưa tầm tã để về nhà test Covid cho mẹ.
"Lần đầu tiên, mình cảm thấy mình yếu đuối. Mẹ là người có bệnh lý tim mạch, đã từng nong mạch vành. Mẹ rơi vào trạng thái khó thở khiến mình lo lắm. Mình tìm mọi cách để cứu mẹ. Sau đó, mẹ được chuyển vào bệnh viện dã chiến thu dung số 13 (bệnh viện Nhiệt Đới, TP.HCM)", Ngọc nói.
Ngày nào, chị cũng điện thoại mẹ hỏi thăm, mẹ nói mẹ ổn. Các bác sĩ đồng nghiệp chăm sóc cho mẹ của Ngọc cũng đã động viên, an ủi chị tiếp tục yên tâm công tác.
Cứ thế, mẹ xuất viện trong niềm vui ngập tràn của mọi người trong gia đình. "Cho đến một lần, anh đồng nghiệp mới nói với mình rằng: Ngọc ơi, anh có cái này muốn xin lỗi. Ngày cho mẹ em vào viện, mẹ em trở nặng phải thở oxy 2 ngày. Sau đó, bác đáp ứng tốt nên mới cai máy thở.
Trong suốt quá trình nằm viện, mẹ mình chưa một lời than vãn vì muốn mình yên tâm công tác. Nghĩ đến đó, mình thương mẹ vô cùng", Ngọc tâm sự.
Hai người phụ nữ đã cho Ngọc thêm niềm tin, sức mạnh để cô luôn có mặt khi bệnh nhân cần. Và đối với Ngọc, sự kiên cường đó xuất phát từ trái tim ngập tràn yêu thương.
"20/10 này mình không cần hoa, cũng chẳng cần quà, chỉ cần người thân thương sẽ mãi bên cạnh mình mà thôi", BS Ngọc mỉm cười nói.