Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa quy định rõ tại Điều 42, Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Cụ thể, Điều 42, Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa như sau:
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung theo quy định tại Điều 40, Nghị định 96/2023/NĐ-CP này, phòng khám đa khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:
Quy mô, cơ cấu tổ chức phòng khám:
- Có từ ba chuyên khoa trở lên trong đó có tối thiểu hai trong bốn chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi; có bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh); có phòng cấp cứu, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu), phòng lưu người bệnh;
- Trường hợp phòng khám đa khoa đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác quy định tại Điều 39 Nghị định này (trừ hình thức tổ chức bệnh viện) thì được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng với hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Cơ sở vật chất, nhân sự:
Các phòng khám trong phòng khám đa khoa phải đáp ứng các yêu cầu diện tích như sau:
- Phòng cấp cứu có diện tích tối thiểu 12m2;
- Phòng lưu người bệnh có diện tích tối thiểu 15m2; có tối thiểu từ 02 giường lưu trở lên, nếu có từ 03 giường lưu trở lên thì diện tích phải bảo đảm tối thiểu 05m2 trên một giường bệnh;
- Các phòng khám chuyên khoa có diện tích tối thiểu 10m2;
- Trường hợp có thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật thì ngoài phòng khám chuyên khoa phải có thêm phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật có diện tích tối thiểu 10m2; nếu có thực hiện kỹ thuật vận động trị liệu thì phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật phải có diện tích tối thiểu 20m2.
Có khu vực tiệt khuẩn để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt khuẩn lại hoặc có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiệt khuẩn dụng cụ.
Trường hợp thực hiện chế biến, bào chế thuốc cổ truyền thì phải đáp ứng tiêu chuẩn chế biến, bào chế thuốc cổ truyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với các chuyên khoa thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám.
Nghị định 96/2023/NĐ-CP này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.