Đề xuất phương án giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ tại đơn vị giải thể, phá sản
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có văn bản đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ) ở các đơn vị nợ đóng BHXH không có khả năng thu hồi.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì các khoản được ưu tiên trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có bao gồm tiền nợ đóng BHXH, BHTN.
Tuy nhiên, tiền nợ đóng BHXH không phải là khoản thanh toán đầu tiên mà sau chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc... Vì vậy, về cơ bản các doanh nghiệp khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản nợ đóng BHXH.
Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định đối với các doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật còn nợ tiền đóng, trốn đóng BHXH khi chủ doanh nghiệp, hoặc người đại diện doanh nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp mới phải có nghĩa vụ hoàn thành tiền nợ đóng BHXH, nên không có khả năng thu hồi số tiền nợ đóng và lãi nợ đóng tại đơn vị cũ.
Do đó, về xử lý đối với số tiền nợ đóng BHXH không có khả năng thu hồi từ ngày 31/12/2021 trở về trước, BHXH Việt Nam đề xuất xóa tiền lãi nợ đóng BHXH, BHTN (914 tỉ đồng).
BHXH Việt Nam đề xuất lấy từ nguồn kinh phí kết dư Quỹ BHTN để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tại các đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; đơn vị đang làm thủ tục giải thể; đơn vị đã phá sản; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật (2.262 tỉ đồng).
Cơ quan này cũng đề xuất thành lập Quỹ BHTN dự phòng rủi ro, trên cơ sở trích từ số tiền người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ BHTN, mức cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
Mục đích chính của việc thành lập quỹ này là hỗ trợ để giải quyết quyền lợi về BHXH cho NLĐ các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản... không có khả năng thu hồi số tiền nợ đóng BHXH. Mặt khác, có thể sử dụng quỹ này để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do thiên tai, dịch bệnh.
Đối với số tiền nợ đóng phát sinh không có khả năng thu hồi từ 01/01/2022 đến trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến năm 2025), BHXH Việt Nam đề xuất đưa vào điều khoản chuyển tiếp để có nguồn kinh phí thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.