Đề xuất phạt đến 2 triệu đồng khi hút thuốc lá điện tử, thông báo vi phạm về cơ quan
Bộ Y tế vừa đưa ra đề xuất xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng hoặc chứa chấp thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Đây là một phần trong nỗ lực siết chặt các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các sản phẩm gây hại này, đặc biệt là trong giới trẻ.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết quy định rõ: “Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cùng các chất gây nghiện, có hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.”
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết hiện nay, các chế tài xử phạt hành vi “chứa chấp” và “sử dụng” thuốc lá điện tử vẫn chưa được quy định cụ thể. Để khắc phục điều này, Bộ đã đề xuất sửa đổi Nghị định 117/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng cho các hành vi chứa chấp hoặc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Nếu tái phạm, mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Ngoài ra, đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu sản phẩm vi phạm.
Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả cũng được đưa ra, bao gồm:
- Tiêu hủy sản phẩm vi phạm.
- Gửi thông báo xử phạt đến cơ quan hoặc tổ chức nơi người vi phạm làm việc, học tập để tiến hành xử lý theo quy định nội bộ.
Kết quả điều tra trong những năm gần đây cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt ở giới trẻ, đang tăng nhanh đáng kể. Theo Báo cáo Điều tra Tình hình Sử dụng Thuốc lá năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người từ 15 tuổi trở lên đã tăng từ 0,2% (năm 2015) lên 3,6% (năm 2020). Trong đó, nhóm tuổi từ 15-24 có tỷ lệ sử dụng cao nhất (7,3%).
Đáng báo động, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-15 tuổi đã tăng từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023). Đặc biệt, kết quả điều tra sơ bộ tại 11 tỉnh cho thấy 4,3% nữ sinh từ 11-18 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2023.
Bộ Y tế chỉ ra rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang thu hút giới trẻ nhờ thiết kế thời thượng, hương vị phong phú; giá thành rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đồng, dễ tiếp cận; hệ thống mua bán trực tuyến và trực tiếp dễ dàng, bao gồm các địa điểm gần trường học.
Đặc biệt, chiến dịch quảng cáo gây hiểu nhầm, sử dụng hình ảnh các thần tượng để khuyến khích sử dụng.
Nhiều công ty thuốc lá còn tiếp thị sản phẩm của mình như một giải pháp giúp cai nghiện hoặc giảm tác hại, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm và dễ dàng bị thuyết phục.
Bộ Y tế nhấn mạnh, mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá điếu truyền thống đã giảm nhờ các nỗ lực kiểm soát trong thời gian qua, nhưng sự xuất hiện của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tạo ra thách thức mới. Việc nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý và áp dụng các chế tài mạnh tay là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cơ quan này cũng kêu gọi phụ huynh, nhà trường và xã hội cùng phối hợp giám sát, ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm này ở trẻ em và thanh thiếu niên, góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn hơn.