Đề xuất người có hợp đồng lao động từ 1 tháng cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã mở rộng đối tượng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp...
Chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều điểm mới như: sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động đối với người lao động có việc làm và người thất nghiệp; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề…
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật là đã mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, dự luật bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều quy định được sửa đổi trong dự thảo Luật chưa có căn cứ thuyết phục; chưa so sánh đầy đủ lợi ích, chi phí để xác định giải pháp phù hợp hoặc tối ưu để định hướng quy định, sửa đổi, bổ sung. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu góp ý, dự thảo luật đã đề cập đến chính sách về chuyển đổi nghề theo hướng giảm thâm dụng lao động, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; nhưng còn “mỏng”, trong khi đây lại là yếu tố rất quan trọng để giữ chân và thu hút được đầu tư nước ngoài. Về đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung người lao động bị mất việc sau thiên tai, khủng hoảng…