Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 18/08/2023 06:30 (GMT+7)

Đề xuất hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Theo dõi GĐ&PL trên

Hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần gồm: Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau; Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

tm-img-alt

Ảnh minh họa.

Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo được xây dựng trên tinh thần bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua. Trong đó xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).

Về vấn đề hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng cho biết, để giảm tình trạng này, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo đề xuất hai phương án:

Phương án 1:Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.

Trong đó nhóm 1 là đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Còn nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.

Phương án này có ưu điểm là từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua. Theo dữ liệu thống kê thời gian qua thì với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh.

Còn nhược điểm là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Ưu điểm phương án này là hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia).

Ngược lại, nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo Luật BHXH và thông lệ quốc tế. Người lao động không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi. Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.

Cùng chuyên mục

Yên Bái: 1 người bị sét đánh tử vong
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, người tử vong do sét đánh là ông Mè Văn Th. (sinh năm 1979, ở tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn).

Tin mới

Yên Bái: 1 người bị sét đánh tử vong
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, người tử vong do sét đánh là ông Mè Văn Th. (sinh năm 1979, ở tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn).