Để tài xế bị tước bằng lái xe gây tai nạn, nhà xe phải chịu trách nhiệm gì?
Theo quy định của pháp luật, nhà xe phải chịu trách nhiệm gì nếu để tài xế bị tước bằng lái xe gây tai nạn?
Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, trường hợp lái xe đã bị tước giấy phép lái xe có thời hạn mà còn tiếp tục điều khiển phương tiện gây ra tai nạn giao thông thì được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của người lái xe. Bên cạnh đó, trường hợp người phân công, giao ô tô cho người này điều khiển mà biết rõ là người này đã bị tước giấy phép lái xe, không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện thì người giao xe trong tình huống này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".
"Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
- Làm chết 2 người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
- Làm chết 3 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng".
Bên cạnh đó, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm hiểm cao độ gây ra phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.