Dạy kỹ năng vận động này cho trẻ sơ sinh càng sớm sẽ càng tốt
Muốn con lớn lên không chỉ khỏe mạnh mà còn đạt chỉ số IQ cao, bố mẹ đừng quên hướng dẫn con kỹ năng vận động tinh ngay khi còn nhỏ.
Một đứa trẻ trưởng thành năng động, hoạt bát sở dĩ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình rèn luyện kỹ năng vận động từ bé. Kỹ năng vận động sẽ tăng dần qua từng giai đoạn phát triển của trẻ. Bác sĩ khuyến cáo, nếu bố mẹ muốn tốt cho con, nhất định không được bỏ qua việc rèn luyện kỹ năng này ngay từ những năm đầu đời.
Kỹ năng vận động bao gồm kỹ năng vận động thô và kỹ năng vận động tinh. Trong đó, kỹ năng vận động tinh bắt đầu khi trẻ được vài tháng tuổi, thể hiện thông qua các động tác của ngón tay, bàn tay, cổ tay. Nếu trẻ sơ sinh có thể thành thạo kỹ năng vận động tinh, về sau trẻ sẽ càng trở nên khéo léo và linh hoạt trong các hoạt động đòi hỏi sự uyển chuyển của tay như vệ sinh cá nhân, ăn uống, mặc quần áo,...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều bà mẹ tỏ ra rất lo lắng khi thấy đứa trẻ của mình phát triển không bằng những đứa trẻ bình thường khác. Các cử động của con có tốc độ khá chậm chạp, thậm chí là bàn tay rất yếu, không có khả năng cầm nắm được bất kỳ đồ vật gì, dù nhỏ. Lúc này, việc tìm hiểu nguyên nhân là vô cùng quan trọng để bố mẹ có biện pháp khắc phục sớm. Nếu không, sự phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, cả về thể chất lẫn trí tuệ thông minh.
Tại sao một số kỹ năng vận động tinh của trẻ chậm?
Dinh dưỡng không đủ
Cung cấp dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho trẻ, chính là nhiệm vụ quan trọng của mỗi ông bố bà mẹ trong quá trình nuôi dạy con. Nó quyết định lớn đến năng lượng hoạt động hằng ngày của trẻ. Rõ ràng khi một đứa trẻ nạp đủ chất dinh dưỡng, thể chất của trẻ sẽ được đảm bảo, nếu thể chất tốt thì khả năng vận động của trẻ sẽ được thực hiện một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Ngược lại, một đứa trẻ ngay đến một đồ vật nhỏ trước mặt cũng không thể cầm nắm, điều này chứng tỏ sức lực của trẻ đang hạn chế và nó không cho phép trẻ làm điều đó. Lúc này, cơ thể trẻ sẽ “phát tín hiệu đỏ”, cấp báo tình trạng bé đang thiếu chất dinh dưỡng. Vì vậy, bố mẹ cần bổ sung kịp thời để hoạt động của trẻ được trở lại như bình thường. Nếu kéo dài tình trạng này, rất có thể trẻ sẽ mắc bệnh còi xương, cơ thể trở nên ốm yếu dần về sau.
Trẻ cần có năng lượng để vận động cơ thể, vì vậy bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ là rất cần thiết.
Môi trường kém chất lượng
Môi trường cũng là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến quá trình phát triển vận động của trẻ. Đối với vận động tinh, kỹ năng này được phát triển từ hành vi học hỏi và bắt chước bố mẹ. Từ đó, trẻ sẽ có sự tiếp xúc với những đồ vật xung quanh. Nếu trẻ được chăm sóc trong môi trường, bố mẹ thường xuyên tạo điều kiện để trẻ có sự quan sát và học hỏi, các vận động tay của trẻ sẽ trở nên rất nhanh nhẹn.
Tuy nhiên, trong một môi trường bữa bộn, không đảm bảo vệ sinh và không gian rộng rãi, thoáng mát trẻ sẽ hạn chế vận động hơn. Bởi vì tinh thần của trẻ không sẵn sàng, chưa kích hoạt được sự hứng thú để trẻ được thoải mái thực hiện các hoạt động vui chơi, khám phá của mình.
Để tăng cường kỹ năng vận động tinh cho trẻ, bố mẹ có thể tạo cho trẻ môi trường vui chơi thoải mái.
Dấu hiệu của bệnh tật
Mặc dù mỗi đứa trẻ đều có tiến trình phát triển khác nhau, nhưng bố mẹ cũng cần phải lưu ý nếu như đứa trẻ của mình có dấu hiệu của chứng chậm vận động. Bởi vì, trong một số trường hợp thì đây là “điềm báo” trẻ đang gặp vấn đề xấu về sức khỏe, mắc bệnh như tự kỷ, hội chứng Down, bại não hoặc loạn dưỡng cơ,...
Thông thường, bố mẹ khó có thể phát hiện ra việc trẻ sơ sinh chậm vận động tinh. Phải đến khi trẻ được gần một tuổi thì các dấu hiệu mới càng rõ ràng hơn. Lúc này, bố mẹ sẽ dễ dàng quan sát thấy được sự bất thường ở trẻ. Tuy nhiên, nếu phát hiện càng sớm thì vấn đề này sẽ được giải quyết tốt hơn.
Phương pháp rèn luyện kỹ năng vận động tinh cho trẻ
Cho trẻ chơi nhiều đồ chơi
Cho trẻ tiếp xúc với các đồ vật, đặc biệt là các món đồ chơi dành cho trẻ theo độ tuổi, chính là phương pháp đơn giản và hiệu quả trong việc phát triển kỹ năng vận động tinh cho trẻ. Trong lúc chơi, trẻ sẽ sử dụng linh hoạt bàn tay, ngón tay và cổ tay để cầm, nắm chúng. Qua từng giai đoạn khác nhau, bố mẹ có thể nâng cấp các trò chơi để trẻ tăng tính trải nghiệm và sức mạnh của đôi tay.
Hơn nữa trẻ cũng sẽ có cơ hội để tự do sáng tạo, phát triển tư duy của mình.
Đối với em bé sơ sinh, bố mẹ nên chơi cùng trẻ sẽ đảm bảo an toàn hơn. Bởi vì nhận thức của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ có thể vô thức cho đồ chơi vào miệng, dẫn đến hiện tượng trẻ bị hóc, nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Đồng thời nếu bố mẹ chơi cùng trẻ, bố mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ các kiến thức và kỹ năng cần thiết. Nhờ vậy mà nhận thức và tư duy của trẻ có cơ hội được mở rộng.
Đồ chơi không chỉ giúp trẻ giải trí, phát triển vận động mà còn mở mang nhận thức và phát triển trí tuệ.
Dạy trẻ tự cầm, nắm
Trẻ khi đến độ tuổi nhất định, kỹ năng vận động tinh buộc phải hoàn thiện một cách thành thạo. Như vậy, trẻ mới có thể tự lập trong quá trình sinh hoạt và học tập của bản thân. Việc tự ăn uống, tự vệ sinh cá nhân và một số hoạt động khác là nhu cầu tất yếu mà trẻ phải thực hiện.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh đến độ tuổi ăn dặm thì mẹ đã được phép rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự ăn, bằng cách cho trẻ dùng tay bốc thức ăn, hoặc dùng muỗng để xúc và cho thức ăn vào miệng. Trẻ từ một tuổi tự tin ăn uống mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ, chứng tỏ kỹ năng vận động tinh đã được nâng cao.
Các chuyên gia khuyến cáo, để cuộc sống sinh hoạt và học tập của trẻ diễn ra một cách thuận tiện, trẻ nên được bồi dưỡng kỹ năng tự lập. Kỹ năng này sẽ được hoàn thiện hơn khi vận động tinh của trẻ tiến tới giai đoạn “chín muồi”.
Khi khả năng cầm, nắm của trẻ thành thạo, chứng tỏ kỹ năng vận động tinh đã được nâng cao.
Không la mắng trẻ khi trẻ ném đồ chơi
Trẻ em từ hơn 1 tuổi đến 3 tuổi thường tỏ ra rất hào hứng với hành vi ném đồ chơi của mình. Nếu bố mẹ nhìn thấy tình trạng này, đừng vội la mắng trẻ. Bởi vì ở độ tuổi trên, kỹ năng vận động tinh của trẻ đã phát triển hoàn thiện, bằng chứng là việc trẻ có thể kết hợp nhuần nhuyễn giữa các ngón tay để buông thả và dùng lực để ném đồ chơi ra xa.
Ngoài ra, việc trẻ thích ném đồ chơi cũng mang lại một lợi ích khác, đó là giúp trẻ mở rộng nhận thức của mình về sự chuyển động của đồ vật. Trong một giới hạn cho phép, bố mẹ nên tạo cơ hội để trẻ luyện tập kỹ năng này ở bất cứ đâu và bất kể thời điểm nào.
Trong một giới hạn cho phép, hành vi ném đồ chơi cũng là phương pháp hiệu quả để rèn luyện sự vận động linh hoạt của đôi bàn tay trẻ.