Đầu tư nguồn nhân lực để chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã bày tỏ những ấn tượng của ông về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam cũng như đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên đầu tư vào nguồn nhân lực nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình già hóa dân số.
Theo ông Jackson, Việt Nam là một quốc gia giàu về văn hóa, lịch sử và có nhiều cảnh đẹp. Ông đã tới nhiều vùng ở Việt Nam, gặp gỡ người dân và tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác giữa UNFPA với Việt Nam, từ việc giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu đến tận dụng các cơ hội tăng trưởng kinh tế và biến động dân số.
Dù mới chỉ công tác ở Việt Nam trong một thời gian ngắn, ông cho biết đã học được nhiều điều về nền văn hóa phong phú của Việt Nam, trong đó ông đặc biệt ấn tượng với chuyến thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An và quê hương đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh.
Trưởng Đại diện UNFPA Việt Nam nhận thấy Việt Nam có rất nhiều thay đổi so với thời điểm 13 năm trước khi ông đến đây lần đầu tiên nhưng trên hết, điều khiến ông thích thú nhất vẫn là được gặp gỡ những người dân ấm áp và được tận hưởng những món ăn ngon từ khắp mọi miền.
Nhân dịp Tết Giáp Thìn, ông gửi lời chúc mừng Việt Nam vì những cam kết mạnh mẽ với Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc đã được thể chế hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia; khẳng định Việt Nam đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt được những mục tiêu còn lại.
Về tình trạng già hóa dân số, một trong những thách thức lớn Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay, ông cho rằng điều quan trọng là phải hiểu và chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới để đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ có chất lượng như y tế, giáo dục và tài chính và tất cả mọi người đều có thể thụ hưởng một cuộc sống tốt đẹp.
Theo ông Jackson, tính đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng từ khoảng 14% vào năm 2022 lên gần 26%. Tỷ trọng trẻ em dưới 14 tuổi sẽ di chuyển theo chiều ngược lại giảm từ 23% xuống 17%.
Tại Việt Nam, tháp dân số năm 2019 cho thấy đất nước hiện đang có cơ hội dân số vàng. Điều này sẽ không còn vào năm 2039 và bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với quá trình chuyển đổi từ "già hóa dân số" sang "dân số già" dự kiến sẽ ngắn hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác.
Chính vì vậy, Trưởng Đại diện UNFPA Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên tuân thủ các nguyên tắc đưa ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), được tổ chức cách đây 30 năm, bởi như vậy sẽ giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội của lợi tức dân số trong chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số. Điều này bao gồm đầu tư vào nguồn nhân lực như tăng cường sự tham gia vào lực lượng lao động và hỗ trợ phụ nữ trong lực lượng lao động.
Ông Jackson cũng chia sẻ về một số chương trình, dự án UNFPA sẽ triển khai tại Việt Nam trong năm 2024. Cụ thể, UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược bao gồm quyền và sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; phát triển thanh niên; già hóa dân số; xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới cũng như các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ông bày tỏ rất mong chờ hợp tác với các Bộ, ngành và các đối tác khác để xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng ngừa HPV, nhân rộng Trung tâm Dịch vụ Một cửa (Ngôi Nhà Ánh Dương) và Đường dây nóng Quốc gia để hỗ trợ người bị bạo lực giới, hỗ trợ kỹ năng sống và giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên, đồng thời cung cấp dữ liệu dân số đầy đủ để hoạch định chính sách hiệu quả.
Ông Jackson khẳng định UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình ứng phó với già hóa dân số của Việt Nam thông qua hỗ trợ hệ thống bảo trợ xã hội tổng hợp và chặt chẽ, đồng thời áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời và chuyển đổi giới tính về già hóa để đáp ứng nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương nhất.
UNFPA cũng sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận công bằng với thông tin và dịch vụ, đồng thời hỗ trợ sự tham gia và phát triển toàn diện của thanh niên, tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương và nhóm yếu thế bao gồm người dân tộc thiểu số, thanh thiếu niên, người khuyết tật, nhóm LGBTQI+ và công nhân di cư.
UNFPA cũng sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với các bộ, ngành để đảm bảo việc hoạch định chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng và dựa trên quyền, lập ngân sách và giám sát thông qua các hoạt động can thiệp về xây dựng và phân tích dữ liệu.
UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới cũng như giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính do định kiến giới và các tập tục không tốt khác, trong đó có tảo hôn.
Ông Jackson cũng nhấn mạnh một lĩnh vực cụ thể UNFPA cam kết thực hiện là hỗ trợ Chính phủphát triển cơ chế điều phối đa ngành ở cấp quốc gia và cấp tỉnh để phòng chống bạo lực giới, đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu và không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này sẽ đảm bảo rằng tất cả những người bị bạo lực giới có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ kịp thời và chất lượng bất kể họ ở đâu hay hoàn cảnh của họ như thế nào.