Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 13/11/2023 13:41 (GMT+7)

WHO: 92% dân số đang sống trong bầu không khí bị ô nhiễm

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng ô nhiễm không khí đang là vấn đề nan giải của thế giới và có đến 92% dân số đang sống trong bầu không khí bị ô nhiễm.

tm-img-alt
Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nan giải của thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đến 92% dân số đang sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. Điều đó đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người và môi trường tự nhiên.

Pakistan, Ấn Độ đóng cửa nhiều trường học do ô nhiễm không khí

Vào mùa Đông, khắp thủ đô New Delhi của Ấn Độ bao phủ làn sương mù mỏng khi các khối khí lạnh giữ lại bụi xây dựng, khí thải xe cộ và khói từ việc đốt rơm rạ ở các bang lân cận, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp ở thành phố 20 triệu dân này.

Theo số liệu của Tập đoàn IQAir (Thụy Sĩ), New Delhi đã đứng đầu danh sách về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo thời gian thực. Số liệu mới này đã đưa AQI của New Delhi vào mức “nguy hiểm."

Đầu tháng 11 này, trường học tại một số khu vực ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ được yêu cầu đóng cửa trong 2 ngày do chỉ số chất lượng không khí (AQI) rơi xuống mức nghiêm trọng. Hầu hết các công trình xây dựng trong các khu vực này cũng bị đình chỉ.

Ngày 8/11, Chính quyền thủ đô New Delhi tiếp tục gia hạn quyết định đóng cửa tất cả trường học đến ngày 18/11.

Chính quyền khu vực thủ đô New Delhi tuyên bố trong tuần tới sẽ hạn chế hoạt động xây dựng và việc sử dụng phương tiện giao thông, giúp làm giảm mức độ ô nhiễm đang gia tăng. Hiện chất lượng không khí ở thành phố 20 triệu dân này vẫn ở mức nguy hiểm mặc dù nhà chức trách đã thực hiện một số biện pháp.

Năm ngoái, Bhiwadi ở miền Bắc Ấn Độ là thành phố ô nhiễm nhất nước này và đứng thứ 3 thế giới (theo IQAir); New Delhi đứng thứ 4.

Còn tại Pakistan, theo khuyến cáo của cơ quan y tế, Chính quyền tỉnh Punjab, tỉnh đông dân nhất Pakistan, quyết định đóng cửa trường học và khu chợ tại các thành phố lớn của tỉnh có dân số hơn 110 triệu người từ ngày 9-12/11 để bảo vệ sức khỏe con người do không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng với khói mù dày đặc.

Theo chỉ thị của chính quyền tỉnh, trừ các cơ sở ưu tiên như hiệu thuốc, bệnh viện và tòa án, tất cả trường học, văn phòng, nhà hàng và cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa để hạn chế người dân ra đường.

Trong tuần này, khói mù dày đặc bao trùm thủ phủ Lahore của tỉnh Punjab (Pakistan) không chỉ làm giảm tầm nhìn mà còn gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là hệ hô hấp và mắt. Ngày 8/11, Lahore trở thành một trong những thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới.

Theo IQAir, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Lahore trong ngày 8/11 đã ở mức “nguy hiểm” với 432 điểm, tiếp đó là New Delhi (Ấn Độ) với 302 điểm và thành phố cảng Karachi (miền Nam Pakistan) với 204 điểm.

Để so sánh, chỉ số AQI từ 0-50 được coi là tốt trong khi chỉ số AQI từ 400-500 sẽ ảnh hưởng đến người khỏe mạnh và là mối nguy hiểm đối với những người đang mắc bệnh.

Hơn 15.000 người ở Nam Phi có thể tử vong vào năm 2050

Rõ ràng, ô nhiễm không khí không phải là vấn đề riêng của Ấn Độ hay Pakistan. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan) cảnh báo hơn 15.000 người có thể thiệt mạng vào năm 2050 do các tình trạng liên quan đến ô nhiễm không khí nếu Nam Phi trì hoãn kế hoạch ngừng hoạt động các nhà máy điện sử dụng than đá cho đến sau năm 2030.

Trong nghiên cứu của mình, CREA nhấn mạnh lượng khí thải gây ô nhiễm không khí do hoạt động kéo dài của các nhà máy sẽ có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng ở Nam Phi.

Theo CREA, 6.200 trường hợp tử vong mới sẽ là do tiếp xúc với các chất dạng hạt, 3.500 ca do tiếp xúc với khí NO2 và 5.700 ca do tiếp xúc với khí SO2. Một số bệnh mà những người phơi nhiễm có thể mắc phải bao gồm hen suyễn, trẻ sinh non và nhẹ cân, trầm cảm, viêm phổi, viêm phế quản và mất trí nhớ.

Nghiên cứu của CREA cho biết hiện tại mới có 1 trong số các nhà máy điện hạng nặng của châu Phi đã đóng cửa, giúp tránh được 220 ca tử vong.

Nam Phi vẫn là 1 trong 12 nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất than đá lớn thứ 7 trên thế giới. Than đá là nền tảng của kinh tế Nam Phi. Ngành này sử dụng gần 100.000 lao động và cung cấp 80% sản lượng điện. Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng điện, khi lịch cắt điện kéo dài 12 giờ mỗi ngày. Điều này làm dấy lên một cuộc tranh luận mới về việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Nhiều nước bỏ qua vấn đề ô nhiễm không khí

Theo báo cáo do Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu (GCHA) công bố ngày 18/10, các nước nghèo tại châu Phi đang đi trước đa số các nước giàu khi nêu vấn đề chất lượng không khí sạch và các lợi ích đối với sức khỏe trong các kế hoạch ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các mục tiêu của các nước nghèo cần được hỗ trợ bằng tài chính, hành động và chính sách rõ ràng.

Báo cáo nêu rõ các nước Nigeria, Mali, Togo, Ghana và Côte d'Ivoire nằm trong số những quốc gia hàng đầu đề cập đến các mối lo ngại về chất lượng không khí trong kế hoạch hành động vì khí hậu trình lên Liên hợp quốc, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Theo bảng xếp hạng do GCHA công bố, 14 trong số 15 quốc gia đi đầu là những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, trong đó dẫn đầu là Colombia và Mali, còn Chile là nước thu nhập cao duy nhất trong số đó.

Nhưng nhìn chung, chỉ có 51 trong số 170 NDC, tức là chưa đến 35% số lượng bản kế hoạch được phân tích, đề cập đến những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người.

Báo cáo cho rằng điều này đồng nghĩa với việc 6 tỷ người đang sinh sống tại các nước chưa thừa nhận những mối liên quan giữa khí hậu và không khí trong lành trong các NDC. Một số nước có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong cao do ô nhiễm không khí.

Theo kết quả nghiên cứu công bố năm ngoái trên Tạp chí Lancet Planetary Health, ô nhiễm không khí, chủ yếu do việc đốt nhiên liệu hóa thạch, là nguyên nhân khiến hơn 6,5 triệu người tử vong/năm trên toàn cầu và con số này đang gia tăng.

GCHA nhấn mạnh không xem xét vấn đề ô nhiễm không khí trong các NDC đồng nghĩa với việc các nước bỏ lỡ cơ hội cho Trái Đất, người dân và các nền kinh tế. Việc các nước bắt đầu hành động bảo vệ khí hậu dựa trên các khía cạnh sức khỏe và tài chính sẽ hỗ trợ đắc lực hơn cho cuộc chiến chống Biến đổi Khí hậu.

Các NDC cho thấy những ưu tiên của quốc gia về khí hậu và bảng xếp hạng đưa ra số điểm đánh giá những vấn đề như thừa nhận tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, từ đó xác định hành động để giải quyết vấn đề và cân nhắc những lợi ích tiềm năng.

Báo cáo Thực trạng về Tài trợ Chất lượng Không khí Toàn cầu được công bố mới đây cho thấy chỉ 1% tổng quỹ tài trợ phát triển quốc tế - khoảng 17 tỷ USD, được cam kết cho mục tiêu giảm ô nhiễm không khí trong giai đoạn 2015-2021. Trong khi đó, chỉ có 2% tổng quỹ tài trợ công chống biến đổi khí hậu quốc tế dành cho nhiệm vụ này.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bình Thuận: Khởi tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh và 11 bị can là cựu lãnh đạo các sở, ngành
Căn cứ kết quả điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án KĐT du lịch biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư, mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bắc Bộ nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiều nơi trên 41 độ C
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 28/4, Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội tiếp tục trạng thái ngày nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến ở mức 37-39 độ C; đêm không mưa. Trung Bộ và Nam Bộ ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.
Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).