Dân kêu trời vì Công ty Hùng Đại Dương khai thác đá gây ô nhiễm?
Xả thải trực tiếp ra môi trường, bột đá phủ kín hoa màu của bà con… đó là những gì đang diễn ra tại huyện Lục Yên (Yên Bái) do Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương khai thác đá gây ra.
Theo đơn thư của người dân tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, Yên Bái gửi đến toàn soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, nhiều năm qua hoạt động khai thác đá của Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương tại mỏ đá Hùng Đại Dương liên tục gây ồn ào, sẻ đá và thải ra lượng lớn bột đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoa màu của các hộ dân sống trong khu vực.
Cổng vào của mỏ đá Hùng Đại Dương nằm ngay sát với đường tỉnh 152 và cách UBND huyện Lục Yên chừng 3km. |
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, PV đã tìm đến mỏ khai thác đá Hùng Đại Dương để ghi nhận thực tế. Qua ghi nhận cho thấy việc phản ánh của bà con nơi đây là hoàn toàn có cơ sở. Bởi hoạt động khai thác đá diễn ra ngay sát khu dân cư, giáp với tuyến đường tỉnh 152 nối từ QL70 đến trung tâm (huyện Lục Yên) chỉ cần đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy mỏ này đang hoạt động khá là rầm rộ.
Để vào được khu vực hoa màu của bà con bị ảnh hưởng, chúng tôi phải qua một chốt bảo vệ của công ty, sau khi được sự đồng ý của bảo vệ thì chúng tôi mới có thể tiếp cận được vị trí mà chúng tôi cần đến. Đứng tại đây chưa đầy 10 phút, chúng tôi cảm nhận như đang đứng cạnh một “quả bom” nổ chậm vậy, bởi theo như lời kể của người dân thì đá có thể lăn xuống bất cứ khi nào nếu không để ý.
Mỏ đá này bắt đầy hoạt đồng từ năm 2003 cho đến nay. |
Đứng dưới mảnh ruộng bị tàn phá bởi bột đá phủ kín không thể canh tác, bà Trần Thị Nhung – thôn 2 xã Tân Lĩnh (huyện Lục Yên, Yên Bái) bức xúc cho biết: “Từ khi mỏ đá đi vào khai thác đến nay đã khiến cho cuộc sống của người dân chúng tôi đảo lộn hoàn toàn vì ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, không những thế hoa màu của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề, điển hình đó là toàn bộ diện tích đất sản xuất hơn 7 sào ruộng của gia đình tôi phải bỏ hoang, không thể canh tác do bột đá bồi lấp”.
“Chúng tôi đã yêu cầu phía công ty phải khắc phục sự cố, cải tạo lại và đền bù cho những vụ lúa không thể canh tác, cùng với đó là yêu cầu làm hệ thống mương máng, tường rào để không bị ảnh hưởng cho những mùa vụ sau, thế nhưng phía công ty vẫn chưa thực hiện và ra mức đền bù không thỏa đáng. Trong khi đó chính quyền các cấp tại huyện cũng chưa có hướng xử lý dứt điểm cho bà con, mặc dù trước đó chúng tôi cũng đã nhiều lần có đơn kiến nghị”, bà Nhung nói.
Đất đá cộng với bùn thải chảy từ trên núi xuống hoa màu của người dân. |
Đây được cho là hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hùng Đại Dương. |
Qua cách làm hời hợt không dứt điểm, gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng lại chưa xử lý triệt để như hiện tại liệu có được? Qua đây người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi, chính quyền các cấp tại huyện có đang làm ngơ về vấn đề này hay không? Tại sao tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền vấn chưa thể xử lý? Chính quyền không cương quyết xử lý thì làm sao doanh nghiệp (DN) làm đúng, làm tốt.
Trong khí đó, Chính phủ đã có chủ trương kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững. Dù doanh nghiệp có đầy đủ giấy phép, điều kiện khai thác đi chăng nữa thì cũng phải tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ, không thể tàn phá môi trường, làm đảo lộn cuộc sống của người dân như vậy. Người dân đề nghị doanh nghiệp cần có trách nhiệm nhất là việc khắc phục tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, có các chính sách giúp người dân an cư, yên tâm lao động, sản xuất.
Làm việc với bà Hoàng Kim Huệ - Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương về nội dung này. Bà Huệ thừa nhận hiện tại công ty chưa đạt tiêu chuẩn về vấn đề môi trường. “Hiện tại công ty chưa có hệ thống xử lý nước thải, nước xẻ đá khi khai thác vẫn chảy trực tiếp xuống những hồ mà công ty đã cho đào trước đó rồi mới chảy ra suối. Còn việc bột đá chảy theo nước xuống ruộng của dân chúng tôi sẽ cho khắc phục ngay, sắp tới đơn vị sẽ cho xây tường rào để ngăn đá lăn xuống cùng với đó là hệ thống mương máng ngăn nước chảy vào hoa màu của bà con”, bà Huệ nói.
Bùn thải, bột đá phủ kín hoa màu của người dân, lượng bùn dày khoảng 30cm. |
Người dân không thể canh tác bởi lượng bùn quá nhiều, họ đã yêu cầu phía công ty khắc phục hậu quả. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại đơn vị này vẫn chưa có hướng xử lý. |
Khi chúng tôi (PV) yêu cầu được tiếp cận những loại giấy tờ như; giấy đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đề án bảo vệ môi trường… bà Huệ đã cung cấp đầy đủ những giấy tờ trên cho PV. Qua nhìn nhận trên giấy tờ thì Công ty Hùng Đại Dương đã hoàn thành những hạng mục đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, thế nhưng trên thực tế thì lại hoàn toàn trái ngược với những gì viết trên giấy, đơn vị này không có một hạng mục nào đạt tiêu chuẩn về vấn đề môi trường. Thực tế là vậy nhưng tại sao Công ty này vẫn hoạt động bình thường nhiều năm qua mà chưa bị xử lý? Chính quyền ở đâu? Họ có biết đến những vấn đề này hay không? Trong khi đó chính đơn vị này cũng đã thừa nhận rằng chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Yên cho biết: “Nội dung mà báo chí cũng như người dân phản ánh chúng tôi đã nhận được, hiện tại UBND huyện đã có chỉ đạo phòng TNMT phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương theo đơn thư của bà con gửi. Mới đây nhất các phòng chuyên môn cũng đã có buổi làm việc với đại diện công ty, người dân để yêu cầu phía công ty khắc phục hậu quả và yêu cầu công ty bồi thường cho người dân thỏa đáng, tuy nhiên trong buồi làm việc cả hai bên vẫn chưa đi tới thông nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc và yêu cầu công ty sớm có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả cho bà con”.
Ngoài vấn đề trên, P.V tiếp tục hỏi về việc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương hoạt động đã gần 20 năm nay, nhưng cho đến thời điểm hiện tại vấn chưa có hệ thống xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường tại sao huyện vẫn để im? Thì ông Sơn lại cho rằng “vấn đề này không thuộc thẩm quyền và không trả lời”.
Không để mọi chuyện “chìm xuồng” một cách nhanh chóng, PV tiếp tục tìm về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Qua trao đổi ông Hồ Đức Hợp – Giám đốc Sở TNMT cho biết: “Vấn đề này Sở đã lắm bắt thông tin. Sở đã giao Chi cục Bảo vệ Môi trường phối hợp với chính quyền huyện làm rõ vấn đề trên. Thứ nhất là gải quyết những vấn đề dân khiếu kiện, thứ hai là làm rõ những gì dân phản ánh nếu đúng chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm, ở đây không có sự bao che, nếu phát hiện có trường hợp bao che sẽ cương quyết xử lý. Chúng tôi cũng thừa nhận đã không kiểm xoát chặt chẽ dẫn đến những vấn đề như hiện nay, sắp tới không chỉ có riêng công ty Hùng Đại Dương mà đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến 30.8 này nếu không đạt các tiêu chuẩn về vấn đề môi trường chúng tôi sẽ cho dừng hoạt động. Với các nội dung trên sau khi có kết luận chúng tôi sẽ thông tin tới báo".
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài sau.
PV