Cuối năm rút tỉa chân hương nhớ để lại con số này, sang năm phúc lộc gấp bội
Muốn được tổ tiên "ưng bụng", sang năm nhận được nhiều lộc thì gia chủ không được rút tỉa chân hương một cách tùy tiện.
Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng lâu đời của người Việt, vì vậy trong nhà nào cũng sẽ có bàn thờ. Đây là nơi kết nối giữa con cháu với những người đã khuất và các vị thần linh.
Đặc biệt, trên bàn thờ có một thứ rất quan trọng đó chính là bát hương. Bát hương ảnh hưởng rất lớn đến tài lộc, họa phúc trong nhà vì vậy gia chủ cần phải thật chú ý, nhất là vào dịp cuối năm này nên bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương.
Thời điểm thích hợp để rút tỉa chân hương vào cuối năm
Rút tỉa chân hương vào cuối năm là để giữ sự tôn kính của gia chủ với thần linh và những người thân đã khuất. Ngoài ra, rút tỉa chân hương còn giúp bàn thờ trong gọn gàng, ngăn nắp và thông thoáng hơn, nhờ đó tài lộc mới tới được.
Còn về thời điểm thích hợp để rút tỉa chân hương thì không có quy định nào rõ ràng. Tuy nhiên theo quan niệm của nhiều người, rút tỉa chân hương để đón năm 2024 nên được thực hiện vào ngày ông Công ông Táo, tức ngày 23 tháng Chạp hoặc ngày Rằm tháng Chạp (ngày 15/12 âm lịch).
Về người rút tỉa chân hương, người nào trong gia đình cũng có thể làm được, nhưng tốt nhất là người đàn ông trụ cột hoặc người có vai vế cao nhất trong nhà. Người rút tỉa chân hương cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉn chu, nghiêm chỉnh.
Các bước tiến hành rút tỉa chân hương đúng cách
Đầu tiên, gia chủ cần thắp hương xin phép tổ tiên, thần linh về việc dọn dẹp bàn thờ, rút tỉa chân hương. Sau khi hương cháy hết mới bắt đầu lau dọn.
Bước thứ 2, dùng khăn sạch và mới để lau các đồ vật trên bàn thờ như bát hương, bài vị, chén nước,… Một số món đồ vật như chén nước, đĩa hoa quả,… bạn có thể hạ xuống để mang đi làm sạch. Nhưng tuyệt đối không được di chuyển bát hương và bài vị.
Với bát hương và bài vị, nên dùng khăn sạch thấm hỗn hợp rượu gừng, nước thơm bao sái bàn thờ hoặc nước ấm sạch để lau.
Bước thứ 3, tỉa chân hương. Hãy trải một tờ báo hoặc tấm vải trước khi rút tỉa chân hương để tránh làm rơi vãi ra bàn thờ. Lưu ý, số chân hương còn lại trên bát hương phải là số lẻ như 3-5-7-9… và đó là những cây đẹp nhất.
Bước thứ 4, hóa chân hương. Hãy quấn chỗ chân hương đã được tỉa ra để mang đi hóa (đốt). Phần tro nên rắc xuống sông hoặc gói trong lá chuối đặt trong gốc cây. Tuyệt đối không vứt vào thùng rác hay những nơi xú uế.
Cuối cùng, gia chủ hãy thắp hương báo cáo gia tiên, các vị thần linh sau khi đã hoàn tất việc bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương.