Công ty Minh Quân đổi tên, đừng để 'bình mới rượu cũ'
Cty CP Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân mới đây đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội. Phải chăng, Công ty này đang tạo ra một bản lý lịch mới, nhằm tham gia gói thầu mới?
Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân có trụ sở tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, với ngành nghề chính theo đăng ký kinh doanh là xây dựng và buôn bán phụ tùng máy, vốn điều lệ là 59 tỷ đồng.
Tháng 3/2017, công ty này chính thức bước chân vào lĩnh vực môi trường khi trúng 6 gói thầu, trị giá hơn 1.150 tỷ đồng; tham gia duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn 9 quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mỹ Đức với cả tư cách độc lập lẫn liên danh.
Nhưng thực tế, sau vài năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường, nhiều dấu hiệu cho thấy đơn vị này quá thiếu kinh nghiệm cũng như năng lực trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong đó phải kể tới việc rác thải thường xuyên được tập kết tràn lan tại nhiều khu vực đông dân cư, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông.
Điểm tập kết rác không phù hợp tại đường Đỗ Đức Dục gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. |
Tại một số khu vực, rác còn lưu cữu qua đêm, không hề có biện pháp che chắn. Nước rỉ rác từ các xe cẩu chảy lênh láng dọc nhiều tuyến đường, bốc mùi hôi thối, liên tục nợ lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội của của công nhân khiến công nhân đình công. Đỉnh điểm là sự việc công nhân làm việc tại một số phường trên địa bàn quận Tây Hồ và quận Nam Từ Liêm đình công, không thu gom rác gây nên tình trạng ùn ứ, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Theo lãnh đạo của phường Yên Phụ (Quận Tây Hồ), công ty Minh Quân sẽ hết hợp đồng thu gom rác thải trên địa bàn vào tháng 12/2020.
Nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội là hành vi đáng trách
Mới đây, Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội. Phải chăng, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội đang tạo ra một bản lý lịch mới, nhằm tham gia đấu thầu công tác thu gom, duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2024?
Để hiểu rõ hơn về góc độ pháp lý đối với việc nợ lương, nợ bảo hiểm và những vẫn đề liên quan tới việc đổi tên doanh nghiệp giữ vai trò như thế nào trong quá trình hoạt động của công ty? Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật Chính pháp - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Pháp luật về lao động đã ghi nhận một trong những quyền quan trọng của người lao động là hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động là thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế. Do đó nếu có việc doanh nghiệp chậm chi trả lương cho người lao động, ở đây là công nhân vệ sinh môi trường và nợ bảo hiểm xã hội là việc rất đáng trách. Trong trường hợp doanh nghiệp có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng trả lương cho người lao động, không đủ khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì điều này cũng cần xem xét đến điều kiện tham gia dự thầu”.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật Chính pháp- Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. |
Luật sư Cường cho biết thêm. Theo Điều 5, Luật đấu thầu hiện hành quy định Nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp; Hạch toán tài chính độc lập; Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật; Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này; Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu; Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;…Như vậy mặc dù việc chậm chi trả lương và nợ bảo hiểm không phải là hành vi bị cấm trong đấu thầu và cũng không ảnh hưởng tới tư cách hợp lệ của nhà thầu.
Tuy nhiên nếu doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm mà dẫn đến việc được xác định là nợ không có khả năng chi trả thì sẽ ảnh hưởng tới tư cách hợp lệ khi tham gia dự thầu. Theo quy định của Luật phá sản 2014 thì có khái niệm “Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán” là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Đổi tên không ảnh hưởng đến giá trị, năng lực của doanh nghiệp
Đối với việc Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội sẽ giữ vai trò như thế nào trong quá trình hoạt động của công ty? Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết:
“Về tên doanh nghiệp thì đây là một trong những yếu tố quan trọng của doanh nghiệp, tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp đó. Trong quá trình hoạt động, do có những sự thay đổi về một số vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp tiến hành đổi tên. Đây là việc rất bình thường và pháp luật cho phép doanh nghiệp thực hiện điều này. Tuy nhiên việc đổi tên không ảnh hưởng đến giá trị hay năng lực của doanh nghiệp đó. Hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ ghi nhận những thông tin của doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình hoạt động, trước và sau khi đổi tên. Do đó nếu một doanh nghiệp nào đó ngay từ đầu đã không đủ tư cách hợp lệ để dự thầu thì dù doanh nghiệp có thay đổi tên mà không làm gia tăng giá trị, năng lực của doanh nghiệp thì cũng sẽ không đủ điều kiện, năng lực để tham gia dự thầu”.
Mặc dù theo nguyên tắc là vậy nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp tiến hành đổi tên doanh nghiệp trước khi tham gia dự thầu để tránh những “từ khóa” tai tiếng, nhạy cảm mà trước đó tên cũ của doanh nghiệp đã từng bị gắn liền. Có thể nói đây là một hình thức “bình mới nhưng rượu cũ” , nhằm xóa bỏ “dư luận” xấu từng có.
Tại một số khu vực, rác còn lưu cữu qua đêm, không hề có biện pháp che chắn. Nước rỉ rác từ các xe cẩu chảy lênh láng dọc nhiều tuyến đường, bốc mùi hôi thối. |
Dưới góc độ pháp lý, đối với công nhân bị công nhân nợ lương, Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ:
“Đối với việc người lao động bị doanh nghiệp chậm chi trả lương thì họ có quyền khởi kiện hoặc làm đơn thư gửi đến cơ quan chức năng để khiếu nại, tố cáo những sai phạm của doanh nghiệp này. Bên cạnh việc người lao động bảo đảm được quyền lợi của mình thì việc chỉ ra những sai phạm của doanh nghiệp cũng là góp phần tránh trường hợp những doanh nghiệp không có đủ năng lực tiếp tục được thực hiện những công việc quan trọng, đảm bảo vệ sinh môi trường của thủ đô”.
Tuy nhiên thực tế cũng phải đặt ra trường hợp có những doanh nghiệp đang trong thời gian khó khăn, kinh doanh thua lỗ, chưa đủ khả năng chi trả lương cho người lao động, nếu được tham dự đấu thầu và trúng thầu thì họ sẽ có điều kiện để xử lý các khoản nợ và khoản lỗ. Tuy nhiên đây chỉ là những trường hợp thiểu số. Việc chi trả lương cho người lao động đúng quy định và hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội đúng thời hạn, nâng cao năng lực hoạt động là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh và sự tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật. Đây là yếu tố để xem xét năng lực và sự tuân thủ quy định pháp luật của nhà thầu khi lựa chọn nhà thầu.