Chuyên gia: Muốn trẻ thông minh bắt đầu từ việc rèn luyện sự khéo léo của đôi tay
Bố mẹ nên chú ý rèn luyện các kỹ năng vận động tinh tế, sự khéo léo, linh hoạt cho đôi tay trẻ.
Theo nhà giáo dục Montessori, hoạt động tay linh hoạt sẽ giúp trí thông minh của trẻ sẽ đạt đến trình độ cao hơn. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng vận động tay cho trẻ là rất quan trọng.
Nghiên cứu cho thấy số lượng dây thần kinh phân bổ ở ngón tay gấp 10 lần so với bắp chân. Việc kích thích các ngón tay có thể thúc đẩy sự gia tăng các khớp thần kinh trong não, số lượng các khớp thần kinh trong não sẽ quyết định trí thông minh. Vì vậy, đôi tay còn được gọi là “bộ não thứ hai của cơ thể con người”.
Và nếu những cử động tay tinh tế của trẻ được rèn luyện tốt thì sẽ có rất nhiều lợi ích.
Rèn luyện sự khéo léo của đôi tay
Thông thường, chúng ta có thể chú ý nhiều hơn đến sự phát triển của một loạt các chuyển động thô như đứng, chạy và nhảy. Nhưng trên thực tế, sự phát triển của các chuyển động tinh tế của tay trẻ như nắm, giữ, véo,.. cũng quan trọng không kém. Chúng cũng tượng trưng cho những cột mốc trong quá trình trưởng thành.
Ví dụ như trẻ ăn bằng tay, ném đồ chơi... Những hoạt động này giúp phát triển các cơ bắp và khả năng điều phối của tay, góp phần vào sự hình thành các kỹ năng vận động tinh tế, sự khéo léo, linh hoạt.
Các chuyển động tinh tế của tay là nền tảng quan trọng để trẻ phát triển các kỹ năng như cầm nắm, thao tác các vật dụng, viết, vẽ... Những kỹ năng này không chỉ cần thiết trong giai đoạn học tập mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, công việc sau này.
Đôi khi, bố mẹ vô tình tước đi cơ hội vận động, điều này gây bất lợi cho sự phát triển của trẻ. Ví dụ, thay vì để trẻ tự chơi đồ chơi, lại luôn giữ chặt và điều khiển. Những hành động như vậy, dù xuất phát từ thiện ý, nhưng lại hạn chế cơ hội rèn luyện các kỹ năng vận động tinh của trẻ.
Vì vậy, bên cạnh việc chú ý đến những chuyển động thô, bố mẹ cần tạo điều kiện để trẻ được vận động tay một cách tự do và an toàn. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển về mặt vận động, hình thành nền tảng vững chắc cho những kỹ năng cần thiết trong tương lai.
Kích thích sự phát triển trí não và giúp trẻ thông minh hơn
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định giai đoạn trước 3 tuổi là thời điểm trẻ phát triển trí não nhanh chóng. Đồng thời, cũng quan trọng cho việc học tập và phát triển các cử động tinh tế của bàn tay.
Việc kích thích các hoạt động vận động, giác quan và giao tiếp trong giai đoạn này sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Hãy lấy hành động đơn giản là trẻ tập bắt bóng làm ví dụ:
Mắt bé tìm thấy mục tiêu đầu tiên→ Mở bàn tay nhỏ ra→ Nhắm vào quả bóng, giữ chặt và nhặt lên.
Đó là một hành động đơn giản, nhưng để thực hiện thành công, cần sự trợ giúp của hoạt động phối hợp loạt cơ quan như dây thần kinh thị giác, hệ thống dẫn truyền não, sức mạnh cơ tay,...
Cải thiện khả năng tập trung
Sự tập trung là một khả năng quan trọng mà trẻ sẽ cần để học tập trong tương lai. Tuy nhiên, việc trau dồi khả năng này không thể đạt được chỉ trong một sớm một chiều.
Luyện tập các cử động tay khéo léo cho trẻ là một khởi đầu tốt. Các hoạt động như giúp trẻ xâu chuỗi, gấp giấy, xếp hình, nặn tạo hình... sẽ giúp kích thích sự phát triển của vận động tinh và tăng cường khả năng tập trung. Bên cạnh đó, việc cho trẻ tham gia các hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, làm đồ thủ công cũng rất hữu ích.
Về phương pháp, thực ra không có khuôn mẫu hay quy trình cố định nào, miễn là phù hợp với độ tuổi và trình độ phát triển của trẻ thì tập luyện nào cũng tốt. Vì vậy, các mẹ thoải mái sáng tạo khi đồng hành cùng con. Điều quan trọng là các hoạt động phải thú vị, mang tính thách thức vừa phải và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Để phát triển khả năng của trẻ, việc mẹ giữ được tâm trạng bình tĩnh, kiên nhẫn và tạo không khí vui vẻ, tích cực khi tương tác với con là điều vô cùng quan trọng. Trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu và hứng thú hơn khi được chơi đùa, học tập trong bầu không khí ấm áp, yêu thương như vậy.
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển khác nhau. Vì vậy, bố mẹ nên đảm bảo trẻ có môi trường tốt để phát triển phù hợp, không so sánh hay đặt quá nhiều áp lực lên trẻ. Thay vào đó, cần tôn trọng và tạo điều kiện để trẻ phát triển theo khả năng và nhịp độ riêng.