Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ bảy, 03/02/2024 06:53 (GMT+7)

Chưa khắc phục được tình trạng mất nước sau trận động đất ở Nhật Bản

Theo dõi GĐ&PL trên

Đại diện Chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết còn khoảng 40.000 hộ gia đình chủ yếu ở Nanao và thành phố Wajima chưa thể tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt.

Tròn 1 tháng kể từ sau trận động đất nghiêm trọng xảy ra tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, mặc dù hệ thống điện và thông tin liên lạc gần như đã được phục hồi nhưng tình trạng mất nước vẫn chưa thể khắc phục triệt để, gây khó khăn trong việc sớm ổn định cuộc sống và sinh kế của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa.

Ngày 2/2, đại diện Chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết hiện còn khoảng 40.000 hộ gia đình trong số 8 thành phố, thị trấn, chủ yếu ở thành phố Nanao và thành phố Wajima chưa thể tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt thông thường. Ngay cả những ngôi nhà không bị sập hoặc hư hại bởi trận động đất cũng không có nước sinh hoạt khiến người dân không thể trở về từ các trung tâm sơ tán.

tm-img-alt
Những ngôi nhà bị sập trong động đất tại Suzu, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản ngày 1/1/2024. (Ảnh: Kyodo).

Không chỉ cuộc sống sinh hoạt và sản xuất mà việc chăm sóc y tế cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất nước kéo dài. Theo ông Kuniyuki Kawasaki, Giám đốc hành chính Bệnh viện thành phố Wajima, các dụng cụ y tế và camera nội soi thiếu nguồn nước sạch để khử trùng, trong khi khoảng 60 bệnh nhân chạy thận nhân tạo buộc phải di chuyển đến các bệnh viện khác ngoài tỉnh để được chữa trị thường xuyên.

Theo quy trình xử lý nước tại tỉnh Ishikawa, nước ban đầu được lấy từ các sông lớn, sau đó được chuyển đến các nhà máy xử lý nước. Nước đã qua xử lý thành nước sinh hoạt được chuyển đến các bể chứa khu vực rồi phân phối đến từng hộ gia đình và các cơ sở xã hội thông qua hệ thống đường ống cấp nước nhỏ hơn.

Hiện tại, 3 bể chứa nước chính ở thành phố Wajima đã bị hư hại do động đất, nhưng đã được khắc phục nhanh chóng chỉ một tuần sau khi xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hệ thống cung cấp nước đến từng hộ gia đình vẫn chưa thể vận hành bình thường do đường sá bị chia cắt dẫn đến cơ quan chức năng không thể tiếp cận, tìm ra vị trí đường ống nước bị hỏng để xử lý. Ngay cả khi phát hiện ra vị trí đường ống bị hư hại thì cũng mất khá nhiều thời gian do phải đào toàn bộ đường ống ngầm, khắc phục và chạy thử xong mới có thể kết nối liên thông với hệ thống cấp nước của thành phố.

Theo ông Hiroshi Togishi, Giám đốc Trung tâm cấp thoát nước thành phố Wajima, tổng chiều dài các đường cấp nước trong thành phố là khoảng 550 km và ước tính 70% trong số đó đã bị hư hại do động đất. Trong khi đó, do không có được bức tranh toàn cảnh về các điểm hư hại nên không còn cách nào khác là buộc phải kiểm tra từng đường ống. Điều này khiến cho công tác khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt mất nhiều thời gian hơn bình thường.

Cùng chuyên mục

Bão Toraji gần Biển Đông, giật cấp 12
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ, ngày 10/11, vị trí tâm bão Toraji ở vào khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 126,9 độ kinh đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines).

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.