Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 10/04/2025 15:13 (GMT+7)

Phát hiện chưa từng có trong lịch sử thiên văn học

Theo dõi GĐ&PL trên

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hệ sao đôi kỳ lạ, gồm hai sao lùn trắng - những lõi sao đã chết và cực kỳ đậm đặc - đang bị cuốn vào một định mệnh khốc liệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP
Ảnh minh họa. Nguồn: AFP.

Theo một nghiên cứu công bố trên Nature Astronomy, các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hệ sao đôi kỳ lạ, gồm hai sao lùn trắng – những lõi sao đã chết và cực kỳ đậm đặc – đang bị cuốn vào một định mệnh khốc liệt: một vụ nổ siêu tân tinh loại 1a với 4 giai đoạn nổ liên tiếp chưa từng được ghi nhận trước đây.

Hai sao lùn trắng này đang nằm trong một hệ nhị phân – nghĩa là chúng bị ràng buộc với nhau bằng lực hấp dẫn – trong Dải Ngân Hà, cách Trái Đất chỉ khoảng 160 năm ánh sáng.

Dù kích thước chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn Trái Đất đôi chút, nhưng khối lượng của chúng lại vô cùng lớn: một ngôi sao bằng 83% khối lượng Mặt Trời, còn ngôi sao kia là 72%.

Theo nhà nghiên cứu James Munday làm việc tại Đại học Warwick (Anh) - tác giả chính của nghiên cứu, đây là cặp sao lùn trắng có tổng khối lượng lớn nhất từng được phát hiện.

Hai ngôi sao quay quanh nhau với chu kỳ chỉ khoảng 14 tiếng, nhanh đến mức khoảng cách giữa chúng nhỏ hơn 25 lần so với khoảng cách giữa Sao Thủy và Mặt Trời. Khoảng cách ấy ngày một thu hẹp khi hệ thống mất năng lượng - một quá trình chậm rãi kéo dài hàng tỷ năm.

Và rồi, định mệnh sẽ gọi tên chúng. Một khi 2 sao lùn tiến đủ gần, ngôi sao nặng hơn - do lực hấp dẫn mạnh hơn – sẽ bắt đầu hút vật chất từ ngôi sao nhẹ hơn.

Khi khối lượng tăng vượt ngưỡng cho phép, 2 ngôi sao sẽ kích hoạt chuỗi phản ứng nhiệt hạch dữ dội tạo ra vụ nổ siêu tân tinh loại 1a, lần này không chỉ một mà tận 4 tầng nổ liên tiếp.

Nhà thiên văn học Ingrid Pelisoli - đồng tác giả nghiên cứu - giải thích: “Sao lùn trắng có cấu trúc nhiều lớp giống như củ hành: lõi gồm carbon và oxy, bao quanh bởi lớp helium và lớp hydrogen. Khi ngôi sao nhẹ hơn truyền khối lượng cho ngôi sao nặng hơn, lớp helium của ngôi sao nặng hơn sẽ trở nên quá dày, gây ra vụ nổ đầu tiên. Làn sóng xung kích từ đó sẽ kích hoạt vụ nổ thứ hai ở lõi carbon-oxy. Sau đó, ngôi sao nhẹ hơn cũng phát nổ theo cách tương tự – helium trước, rồi lõi carbon-oxy.”

Theo tính toán của các nhà khoa học, tất cả quá trình đó sẽ diễn ra trong chưa đầy 4 giây và dự kiến sẽ xảy ra trong khoảng 22,6 tỷ năm nữa. Khi đó, nếu Trái Đất – hiện mới 4,5 tỷ năm tuổi – còn tồn tại, chúng ta sẽ chứng kiến một quầng sáng chói gấp 10 lần Mặt Trăng trên bầu trời đêm.

Ông James Munday cho biết nếu khoảng cách giữa hai ngôi sao xa hơn, có thể chúng đã ung dung tự tại, không va chạm nhau.

Ông nêu rõ: “Trong một quỹ đạo rộng hơn, chúng hoàn toàn có thể tồn tại ổn định mà không xảy ra tai họa nào. Nhưng lần này, chúng tôi biết chắc vụ nổ sẽ xảy ra và sẽ thắp sáng một phần của Dải Ngân Hà”.

Cùng chuyên mục

Tin mới