Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi: Cần tháo gỡ những vướng mắc công tác thu hồi đất?
Quá trình triển khai dự án đã gặp phải khó khăn khi nhiều hộ dân không đồng tình và bàn giao mặt bằng bởi những tồn đọng, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư cho người dân.
Được biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (tạm gọi là dự án Quốc lộ 1A), huyện Thanh Trì (Hà Nội) do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư, chiều dài tuyến đường khoảng 3,8 km, mặt cắt ngang toàn tuyến là 46 m, tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng và sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự án dự kiến được thực hiện từ quý IV/2010 và hoàn thành vào quý IV/2013. Tuy nhiên, tính đến năm 2017, dự án còn có thêm 02 lần điều chỉnh tiến độ hoàn thành.
Theo Thanh tra thành phố Hà Nội, tổng diện tích đất thu hồi dự án hơn 185 nghìn m2 thuộc địa bàn 04 xã thuộc huyện Thanh Trì, gồm: Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi và Liên Ninh. Tổng số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất là 797 trường hợp. Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến năm 2019, mới thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 53%, phần diện tích còn lại đang gặp vướng mắc khi triển khai GPMB.
Cụ thể, nhiều hộ dân có đất trong diện bị thu hồi tại xã Liên Ninh không đồng tình và bàn giao mặt bằng, cho rằng có những bất cập trong công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư.
Được biết, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ được UBND xã Liên Ninh cho đấu thầu, mở dịch vụ. Cụ thể, năm 1989, Đảng ủy, UBND xã, HTX Liên Ninh có Nghị quyết cho các hộ dân đấu thầu đất, mở dịch vụ và mở hàng kinh doanh dọc theo Quốc lộ 1A là 5m, giá tiền là 1,2 triệu đồng/suất (người địa phương) và 3 triệu đồng/suất trở lên (người ngoài địa phương). Tổng số hộ xã bán đấu thầu (thực chất là bán đất) là 121 hộ với tổng diện tích đất gần 11.000 m2.
Sau khi mua đất, các hộ xây dựng nhà ở, công trình xây dựng. “Thời điểm xây dựng 80/124 hộ xây dựng trước 15/10/1993; 44 hộ xây dựng từ sau 15/10/1993 đến trước 01/7/2004. Trong quá trình sử dụng, một số hộ đã tự ý sử dụng thêm đất lưu không Quốc lộ 1A do UBND xã quản lý ngoài diện tích đấu thầu”, UBND xã xác nhận.
Năm 1992, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì đã có Bản án kết luận hành vi mua bán đất trái thẩm quyền và xử lý hình sự đối với lãnh đạo UBND xã, HTX Liên Ninh khi đó. Đồng thời kiến nghị thu hồi lại diện tích đất đã bán cho các hộ dân.
“Tuy nhiên, đến nay diện tích đất đã đấu thầu cho các hộ chưa bị cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền thu hồi. Các hộ dân đã xây dựng nhà ở và ăn ở ổn định, không tranh chấp từ đó đến nay”, UBND xã Liên Ninh thông tin.
Trao đổi với nhiều hộ dân có đất bị thu hồi, ông Đỗ Văn Khiết (xóm Phương Nhị, xã Liên Ninh) cho biết, các hộ dân mua đất của UBND xã, HTX xã Liên Ninh đấu thầu năm 1989 đến 1991 đều sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp đúng như thông tin chính quyền xã xác nhận trước đó, và hàng năm, người sử dụng đất đều nhận được thông báo và thực hiện nộp thuế sử dụng đất đầy đủ và đã được thể hiện trên bản đồ đo đạc là đất thổ cư năm 1994. Đây cũng là nội dung UBND huyện Thanh Trì đã được nêu trong văn bản số 845 do Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Cường ký, ban hành năm 2016 xác nhận.
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi (cụ thể ở đây thu hồi làm dự án Quốc lộ 1A) có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 đã được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2, Điều 11, Nghị định 47/2014 do Chính phủ ban hành. Tức người sử dụng đất trong trường hợp này sẽ được bồi thường về đất đối với diện tích và loại đất được giao.
Nhiều vướng mắc trong hỗ trợ, bồi thường đất
Tuy nhiên, khi đánh giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ quan liên ngành (Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, UBND huyện Thanh Trì) lại cho rằng chưa có chính sách hỗ trợ về đất đặc thù với trường hợp có nguồn gốc đất nêu trên nên đề xuất đề nghị UBND thành phố chấp thuận phương án hỗ trợ 60% giá đất của loại đất được giao. Phần diện tích đất còn lại (nếu có) không được bồi thường, hỗ trợ.
Cụ thể, theo Quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh, giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án của UBND thành phố Hà Nội, giá bồi thường áp dụng tại xã Ngọc Hồi - Liên Ninh được chia làm ba khu vực (VT1, VT2, VT3) với mức giá lần lượt là 14,762 triệu/m2, 9,595 triệu/m2, 7,469 triệu/m2.
Phản hồi phương án hỗ trợ, các hộ dân sống tại ven Quốc lộ 1A, thôn Phương Nhị, xã Liên Ninh không chấp nhận với lý do việc áp dụng quy định pháp luật không đúng đối tượng. Ngoài ra, với mức hỗ trợ 60% giá đất 7,469 triệu/m2, tương đương 4,4 triệu/m2. Trong khi đó, giá thu tiền sử dụng đất tái định cư tại xã Liên Ninh thấp nhất là hơn 4,6 triệu/m2 (Quyết định 2256 của UBND thành phố Hà Nội). Như vậy với số tiền hỗ trợ nhận được, người dân cũng không thể sử dụng đất tái định cư hay mua ở khu vực nào khác để đảm bảo cuộc sống người dân.
Điển hình là trường hợp ông Đỗ Văn Khiết (Phương Nhị, xã Liên Ninh) có đất nằm trong chỉ giới GPMB bị thu hồi 110,6 m2 không được bồi thường hỗ trợ về đất mà chỉ được bồi thường hỗ trợ 80% tài sản gắn liền với đất bị thu hồi; 50% nhà, công trình xây dựng… với tổng tiền bồi thường gần 350 triệu đồng.
Số tiền bồi thường trên, nhiều hộ dân xã Liên Ninh cho rằng không thể mua được “mảnh đất cắm dùi” giữa lòng thủ đô và chưa đề cập đến chi phí xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt cơ bản của người dân.
Phúc đáp người dân thuộc trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền, ngày 26/8/2021, UBND huyện Thanh Trì lại cho rằng phần diện tích đất do UBND xã Liên Ninh đưa ra mua bán trái thẩm quyền đã nằm trong quy hoạch mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Đại Cồ Việt - Ngọc Hồi năm 1983 theo Quyết định số 239 của Hội đồng Bộ trưởng khi đó.
“Đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 thì phần diện tích nằm trong chỉ giới thu hồi của các hộ nêu trên không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đó không đủ điều kiện để được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi”, UBND huyện Thanh Trì thông tin.
Phía các hộ dân có đất bị thu hồi không đồng tình với câu trả lời từ chính quyền huyện Thanh Trì với lý do, theo quy định, trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, thửa đất người dân đang sử dụng đã được sử dụng ổn định, lâu dài, sau khi mua đất người dân tiến hành cải tạo, xây dựng và đã được UBND xã Liên Ninh xác nhận không tranh chấp, thể hiện trên bản đồ địa chính 1994 (12) là đất thổ cư, hàng năm nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.
Ngoài ra, những hồ sơ liên quan đến quy hoạch dự án năm 1983, Sở Quy hoạch - Kiến trúc trả lời Thanh tra thành phố Hà Nội tại kết luận thanh tra số 3443 năm 2019 cũng nêu rõ, “hồ sơ tài liệu liên quan đến chỉ giới quy hoạch tại quyết định số 239/CT điều chỉnh mặt cắt ngang đường 1A đoạn Đại Cồ Việt - Thường Tín ngày 16/3/1983 của Hội đồng Bộ trưởng hiện không còn lưu”.
Bởi hồ sơ đã mất, thất lạc nên không đủ căn cứ đối chiếu, mặt khác, tại Nghị định 47/2014 cũng quy định trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền và người sử dụng đất đã nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi thu hồi sẽ được bồi thường theo giá trị đất đã được giao. Bởi vậy, người dân đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần khẩn trương kiểm tra, đánh giá lại phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho nhân dân có đất bị thu hồi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.