Cả gia đình 5 người mắc Covid-19, 1 người không qua khỏi: 'Con mồ côi ba rồi!'
'Xe cứu thương lại rú lên một lần nữa, ba nhanh chóng được đưa vào viện. Tôi có cảm giác bất an, trực giác của người con, tôi cảm nhận ba sẽ có chuyện chẳng lành…', chị Phương chia sẻ.
LTS: "Cơn lốc" dịch bệnh đã càn quét qua Thành phố Hồ Chí Minh, biến nơi hoa lệ bậc nhất thành nơi chìm trong bóng đen mang tên Covid-19. Nơi đây, đã có những mất mát, hy sinh, người sống, người mất… và những nỗi đau khó có thể xóa nhoà. Nhưng dù Covid-19 có khốc liệt tới đâu, nó cũng không quật ngã được ý chí của con người Thành phố Hồ Chí Minh. Dịch bệnh có khủng kiếp bao nhiêu thì tình người, lòng ham sống, sự hồi sinh sẽ mãi là "bất diệt". Người TP HCM vẫn luôn tin họ sẽ chiến thắng được "kẻ thù" SARS-CoV-2. |
Hơn 40 tuổi, đã đi qua nhiều biến cố trong cuộc đời, nhưng với chị Lê Hồng Phương Phương (43 tuổi, Quận 7), "cơn bão" bệnh tật Covid-19 đang tàn phá thành phố thân yêu của chị vẫn thật tàn khốc, ngoài sức tưởng tượng của chị.
Gia đình chị Hồng Phương Phương đã có mất mát trước dịch Covid-19, bố chị đã mãi mãi ra đi. Đau đớn vô cùng nhưng chị Hồng Phương vẫn phải mạnh mẽ vì phía trước chị còn 2 con, mẹ (má) già và cả bản thân chị đang dương tính với virus.
Virus "tinh ranh" bằng cách nào đó lây nhiễm cho cả nhà
Tháng 7/2021, khi thành phố 'không ngủ' về đêm bỗng trở lên im lìm, mọi người cài then, đóng cửa trong nhà vì dịch bệnh. Như bao gia đình khác, gia đình chị Phương cũng tích trữ thực phẩm, hạn chế đi ra ngoài, không tiếp xúc với ai. Chị cũng lo sợ ba má chị đã già, đều có bệnh lý nền, cả 2 đứa trẻ nhỏ nếu không may mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm.
"Tôi rất thận trọng trong mọi việc, vì trong con hẻm bên cạnh của tôi đã có hơn 20 người mắc bệnh phải đi cách ly và cũng có người đã tử vong", chị Phương nói.
Đã cẩn trọng trong mọi việc để virus không thể len lỏi vào gia đình, nhưng bằng cách nào đó virus SARS-CoV-2 "quá tinh ranh" đã thoát qua cánh cửa dự phòng của gia đình để gây bệnh cho cả gia đình.
Má chị Phương 78 tuổi là người đầu tiên bị virus tấn công: "Má bị đau họng, rồi sốt cao… nhưng không nói với ai. Má âm thầm ra tiệm mua thuốc về tự uống. Khi má mệt mới kêu tôi lên phòng giúp má. Tôi chăm má được 2 ngày thì thì họng cũng bắt đầu bị đau. Tôi có nấu nước gừng, xả, ngậm chanh muối và súc họng, sáng hôm sau tôi cảm thấy dễ chịu hơn.
Đồng hồ điểm 6 giờ sáng, tôi lên gác thăm má, lúc này má sốt cao quá trời. Tôi cho má uống hạ sốt, uống thuốc (lúc này má ở cách ly riêng một phòng).
Cho má uống thuốc xong tôi sang phòng đứa con trai 11 tuổi. Lúc đó khoảng 9 giờ tôi thấy con sốt. Con khóc la hét con đau đầu quá, tôi chườm và cho con uống hạ sốt. Lúc này, tôi biết cả nhà tôi đã mắc Covid-19 rồi. Tôi gọi cho một người bạn ở quận 4 mang thuốc điều trị Covid-19 sang cho cả nhà.
Con trai út của tôi uống thuốc 1 ngày thì hết sốt. Má tôi sốt tới ngày thứ 3 thì hết sốt, má bắt đầu đi lại được. Đứa con trai 17 tuổi của tôi cũng bị mắc bệnh và cháu có kêu đau tức ngực. Tôi cũng cho uống thuốc và được 2 ngày thì hết các triệu chứng.
Sau đó, ba của tôi 78 tuổi cũng bắt đầu bị đau họng. Nhưng ba cứ ngủ li bì, tôi phải canh gọi ba dậy cho ba uống thuốc và ăn uống".
Má tôi chuyển nặng
Tưởng rằng cả gia đình chị Phương sẽ dễ dàng chiến thắng được con virus đáng sợ một cách dễ dàng, nhưng điều không mong muốn đã tới, má chị Phương tới ngày thứ 4 (sau khi hết sốt 1 ngày) đã chuyển nặng.
"Tôi lo lắm vì má không thở nổi, tôi gọi cho xe cấp cứu nhưng họ chưa thể đến ngay. Lúc này, tôi đã lên mạng tìm kiếm và thuê được 3 bình oxy và mua thêm thuốc cho má uống. Hai ngày cầm cự uống thuốc với thở oxy tại nhà, tới ngày thứ 3, người má tôi tím đi, hơi thở yếu ớt… tôi cảm thấy mọi chuyện chẳng lành sắp tới.
Đúng lúc đó tiếng còi cứu thương đã rú lên ngoài đầu hẻm, ơn trời! Má sống rồi (chị Phương tự nói với mình – PV).
Chiếc xe cứu thương lao đi vun vút tới Bệnh viện quận 7, má được bác sĩ chuyển ngay vào phòng cấp cứu, còn tôi, bác sĩ động viên về nhà", chị Phương tâm sự.
12h đêm, chị Phương từ viện trở về nhà tự dưng cảm thấy không thể thở nổi. Cả đêm đó chị Phương chỉ ngồi, vì cứ nằm là không sao thở nổi. Chị bực mình quyết định dậy làm việc nọ, việc kia trong nhà vừa làm, vừa cố thở. Chị Phương biết chị mắc Covid-19 đang chuyển biến nặng rồi và có thể phải nhập viện.
4 giờ sáng cơn khó thở tăng, chị Phương quyết định quay một video gửi cho anh trai để nhờ anh gọi xe cấp cứu: "Anh ơi! Em không ổn rồi. Anh gọi xe cấp cứu gấp giúp em" – chị Phương nói.
8 giờ sáng chị Phương lại nghe thấy tiếng còi xe cứu thương, chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì chị sẽ được vào viện để bác sĩ chăm sóc. Nhưng lo vì nếu chị nhập viện 2 đứa con, người ba già yếu đang mắc Covid-19 ai sẽ chăm sóc.
Nhân viên y tế vào nhà khám cho chị Phương cho thuốc theo triệu chứng chị đang gặp, may mắn chị không phải vào viện. "Tôi uống thuốc, cố gắng ăn thật nhiều, tập thở… Điều kỳ diệu đã tới. 2 ngày sau tôi bắt đầu khỏe lên. Tôi thầm cảm ơn trời vì đã cho tôi sức khỏe để chăm sóc được cho con và ba của mình".
Ba suy kiệt… và tôi mất ông mãi mãi
"Má đã phải nhập viện, tôi cũng đã khỏe dần lên, nhưng ba thì bắt đầu trở nặng. Ba bị suy kiệt, ba không thể nhắc người lên và tiểu không tư chủ. Xe cứu thương lại rú lên một lần nữa, ba nhanh chóng được đưa vào viện. Tôi có cảm giác bất an, trực giác của người con, tôi cảm nhận ba sẽ có chuyện chẳng lành…", chị Phương xúc động nói.
Khi trước xe cứu thương đã đi khuất, chị Phương hàng ngày vẫn ngóng tin ba và má, chị cầu mong 2 người sẽ luôn bình an. 2 ngày sau chị Phương đột nhiên nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ, chị nhắc máy lên nghe và lặng người đi trước thông tin ba chị đã mất.
Chị Phương gần như đứng không vững, dù rằng chị đã xác định trước tinh thần ba có bệnh lý nền, cơ thể suy nhược sẽ có thể tử vong. Nhưng nỗi đau này vẫn lớn quá chị Phương thốt lên: "Con mô côi ba rồi!".
Đau đớn vô cùng nhưng chị là trụ cột của gia đình, giờ cái trụ không vững làm sao các thành viên khác an tâm. Chị Phương tự trấn an mình mạnh mẽ để chăm sóc 2 con và má.
Ba mất, má chị Phương bệnh vẫn chưa tiến triển và cần phải có người chăm sóc (Lúc đó, bệnh viện cho phép F0 được vào viện cùng bác sĩ chăm sóc cho người nhà – chị Phương giải thích). Giờ chị đi thì 2 đứa trẻ không ai chăm, đặc biệt là đứa nhỏ mới 11 tuổi nếu sốt lên thì phải làm sao?
"Tôi nói với con trai đầu (17 tuổi), con vào chăm bà ngoại. Nhưng khi con vào được một tiếng, gửi cho tôi video mẹ nằm trên giường bệnh tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi thu xếp mọi thứ trong gia đình phóng xe như bay tới bệnh viện đề nghị bác sĩ đổi thay ca cho con".
Dịch bệnh quá khốc liệt
Khi vào viện, chị Phương cũng hoảng hồn vì dịch bệnh quá khốc liệt, bệnh nhân nặng nhiều, bệnh nhân tử vong cũng có. "Nằm cạnh má tôi nhiều người đã qua đời do vậy tinh thần của má đã bắt đầu khủng khoảng".
Khi nghe má nói vậy chị đã không cầm nổi nước mắt. Ngày hôm đó, chị chăm sóc cho má, đồ ăn chị mang theo chị cũng chia cho mọi người trong phòng.
Tối hôm đó ở nhà, con trai đầu của chị bị sốt. Chị hướng dẫn con uống thuốc qua điện thoại và dặn con 2 tiếng đo nhiệt độ 1 lần. Rất may ngày hôm sau con chị đã cắt sốt, chị yên tâm ở lại viện chăm sóc cho má.
Trong bệnh viện, chị Phương thấy bệnh nhân còn thiếu thốn nhiều thứ. Để giúp đỡ cho bệnh nhân chị Phương đã liên lạc ra bên ngoài nhờ anh trai và mạnh thường quân viện trợ thêm nước, sữa để phát cho các bệnh nhân Covid-19.
Trong lúc chăm mẹ, chị Phương vẫn uống thuốc để điều trị khỏi Covid-19. Vì chị phải khỏe mới chăm lo được cho mẹ và giúp đỡ cho mẹ. Thời gian chăm sóc mẹ, chị Phương nhận ra được rằng bệnh nhân Covid-19 dinh dưỡng rất quan trọng.
Mẹ chị Phương đã hồi phục dần, khí sắc cũng tốt lên từng ngày. Khi mẹ đã đỡ hơn, chị Phương có thời gian để giúp đỡ cho người khác. Thấy người bệnh hơi ngất ngư chị cho bệnh nhân uống miếng nước, vỗ lưng cho bệnh nhân dễ thở. Buổi tối trời lạnh chị bôi dầu đeo tất cho từng bệnh nhân trong phòng để mọi người ấm chân dễ ngủ. Buổi trưa, trời nóng chị Phương mua quạt cho bệnh nhân mát…
Vào viện chị mới thấu hiểu được đội ngũ ngành y vất vả, áp lực vô cùng. Chị đã tận mắt chứng kiến đội ngũ bác sĩ trong suốt 3 tiếng đồng hồ ép tim để cứu bệnh nhân. Nhưng sau mọi sự cố gắng đó, điều kỳ diệu đã không xảy ra, bệnh nhân vẫn qua đời.
Theo chị Phương, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ không trở lên quá đáng sợ nếu như biết về nó và điều trị dự phòng sớm. Bệnh nhân mắc bệnh nên điều trị tại nhà với điều kiện thuốc men, thực phẩm đầy đủ, và luôn có người theo sát bệnh nhân. Bên cạnh đó, chúng ta có thể phòng bệnh bằng giữ ấm cổ họng, uống nước liên tục, súc miệng bằng nước ấm, chị nói.
"Bản thân tôi cũng bị đái tháo đường nhưng tôi cố gắng để mình mạnh hơn virus. Chỉ khi tôi mạnh hơn virus tôi mới chiến thắng được nó. Vì vậy tôi cố gắng ăn uống nhiều, uống thuốc để không bị kiệt sức… Tôi mong mọi người bình tĩnh, lạc quan và điều trị", chị Phương chia sẻ.
*Bài tiếp theo: Ba cầu mong trở thành F0 để có thể gặp con…!