Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 30/07/2021 10:51 (GMT+7)

Bộ Y tế lập 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia

Theo dõi GĐ&PL trên

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng".

Việt Nam đang phải đối mặt với "làn sóng thứ tư" của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 100 nghìn ca nhiễm mới.

Sự xuất hiện biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.

Việc đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng là "cần thiết và cấp bách"

Thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 qua các đợt 1, 2, 3 và đợt 4 đang lây lan mạnh cho thấy nhiều bài học có giá trị sâu sắc. Khi dịch bệnh bùng phát, các tỉnh đều gặp thách thức rất lớn trong thu dung, điều trị người bệnh và cần có sự chi viện từ trung ương và sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn.

Bài học chống dịch rút ra từ các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Dương... và TP. Hồ Chí Minh đều cho thấy năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch của các địa phương còn hạn chế.

Quy mô và số giường bệnh hồi sức tích cực cũng có nhiều vấn đề tồn tại. Theo kết quả một nghiên cứu1 gần đây, ước tính năm 2021 cả nước có khoảng trên 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực.

Tuy nhiên cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng.

Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sỹ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh COVID-19 nặng.

Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu...

Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới trung ương, Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa trung ương Huế, Đa khoa trung ương Cần Thơ... Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng...

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới; hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.

Bộ Y tế khẳng định việc đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng là "cần thiết và cấp bách", nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới.

Chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng

Theo nội dung Đề án, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường.

Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2- 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện TW Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí minh quy mô 300 giường.

Riêng Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.

Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn.

Bệnh viện TW Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp.

Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ phối hợp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

Cùng chuyên mục

Tây Bắc Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Từ ngày 16-17/4, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Lịch hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2024
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông báo 1570/TB-BLĐTBXH về việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp.

Tin mới