Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 16/02/2022 14:19 (GMT+7)

Bất cập tại Nhà máy đường An Khê – Bài 2: Những tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng!

Theo dõi GĐ&PL trên

Dù đã bị xử phạt nhiều lần về các sai phạm liên quan đến môi trường nhưng Nhà máy đường An Khê vẫn để tình trạng này tái diễn. Trong khi đó, người dân gõ cửa các cơ quan chức năng khắp nơi nhưng những lời cầu cứu đều rơi vào im lặng!

Sai phạm nối tiếp sai phạm

Ngày 27/10/2021, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kết luận Thanh tra số 23/KL-TCMT về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (chi nhánh Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi - Nhà máy Đường An Khê).

Nội dung kết luận xác định: Thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, dưới 1,1 lần. Cụ thể, mẫu khí thải sau hệ thống xử lý khí thải lò hơi 200 tấn hơi/giờ của Nhà máy Điện sinh khối (tại thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê) thải ra môi trường cho thấy có thông số Cacbon Oxit (CO) vượt 1,06 lần so với quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Ngoài ra, Nhà máy đường An Khê còn có các tồn tại, như: Chưa có biệp pháp thu gom, xử lý triệt để lượng bụi phát sinh tại khu vực chứa bã mía, mùi hôi tại khu vực xử lý nước thải.

Với các hành vi nêu trên, Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu Nhà máy đường An Khê bị xử phạt. Trước đó, tháng 5/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt 468 triệu đồng đối với Nhà máy đường An Khê vì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Người dân từng đội mưa lấy mẫu nước thải chảy ra từ Nhà máy để làm bằng chứng.

Quyết định xử phạt nêu rõ, vào cuối tháng 1/2019, qua kiểm tra thực tế tại vị trí xả thải của Nhà máy đường An Khê, cơ quan chức năng tỉnh phát hiện nhiều thông số đánh giá chất lượng môi trường nước vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Các thông số COD, TSS, BOD, P, coliform,... đều vượt quy chuẩn kỹ thuật trong khung giới hạn từ 1,5 đến 2 lần.

Ngoài việc nộp phạt, đơn vị sai phạm buộc phải tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả. Lần xử phạt này đã gây ra cuộc tranh luận lớn giữa địa phương với UBND tỉnh Gia Lai. Người dân địa phương rất bức xúc về mức độ ô nhiễm của nhà máy, nhưng mức độ xử lý ở cấp cao hơn lại thấp hơn cấp dưới.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra ngày 10/7/2019 đã có cuộc "tranh cãi" liên quan đến mức xử phạt về ô nhiễm môi trường. Theo ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai, thuộc tổ đại biểu Thị xã An Khê, quá trình hoạt động của Nhà máy đường An Khê từ năm 2000 đến nay liên tục xảy ra sai phạm, nhất là gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài.

Tháng 1/2019, sau khi phát hiện hành vi xả thải, kiểm nghiệm mức ô nhiễm, chính quyền, ngành chức năng Thị xã An Khê đã đề xuất xử phạt Nhà máy này hơn 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 468 triệu đồng.

Nước thải đen ngòm chảy vào nhà dân.

Tiếng kêu cứu trong vô vọng

Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Thị Xuân Sen là một trong năm hộ dân phía Đông, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của Nhà máy đường An Khê nói, từ ngày Nhà máy hoạt động đến nay là 21 năm đã gây ra bao nhiêu là ô nhiễm môi trường, nào là xả nước độc hại, khói bụi, bụi mịn, mùi hôi thối, tro bụi, hóa chất...

Hố chứa nước thải gần khu dân cư nên cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Trẻ em bị ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn học tập vì tiếng ồn. Ban đêm, người dân khó ngủ vì mùi hôi thối, độ rung chuyển, khói bụi, mùi hóa chất gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe. Các loại bệnh tật ập đến, như: Họ, viêm phế quản, viêm xoang, viêm da... luôn đeo bám trong cơ thể người dân.

Chị Sen kể, gần đây, vụ ép mía 2021 - 2022 đã mở rộng hơn bao gồm: Nhà máy nhiệt điện, nhà máy đường tinh luyện và nhiều ao hồ mới sát cạnh nhà dân làm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn. Trong không khí có nhiều mùi lạ nồng nặc gây nhức đầu, khó thở, người dân đổ các chứng bệnh về hô hấp và nhiều bệnh viêm nhiễm khác. Nguồn nước từ các ao hồ xử lý thải của nhà máy tràn ra đất, ruộng của người dân làm hư hại cây cối, hoa màu.

Bất cập tại Nhà máy đường An Khê – Bài 2: Những tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng! ảnh 1
Ruộng vườn nhà dân bị nước thải từ Nhà máy gây ngập.

Chị Võ Thị Xuân Thương, người dân thôn 2, xã Thành An chia sẻ, năm 2020, Nhà máy đường An Khê đã thực hiện di dời đền bù tới 10 hộ phía Tây đường đã xong. Phần còn lại phía Đông đường có 5 hộ dân chỉ cách 5m mặt đường, mức độ ô nhiễm như nhau lại chưa được giải quyết. Trong khi, mọi vấn đề thỏa thuận đền bù đã được ký xong cách đây 2 năm.

Đất đai người dân trồng cây lâu năm cũng không cho làm sổ đỏ, đất ở thì không cho xây dựng. Muốn bán đất thì cũng không thể bán được vì bị ô nhiễm nặng. Người dân yêu cầu di dời đền bù thì lại không giải quyết. Các hộ dân sống chung với ô nhiễm trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".

Nhiều lần, người dân mời cán bộ thôn, xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã, Công an địa phương xuống khu vực ô nhiễm, cung cấp các chứng cứ, lập biên bản ghi nhận sự việc do chính Nhà máy đường An Khê gây ra. Các cơ quan chính quyền đã không có câu trả lời thỏa đáng cho người dân.

Héo mòn, đau ốm, bệnh tật vì ô nhiễm

Chị Mỹ Lệ là một trong năm hộ dân cư trú bên cạnh Nhà máy đường An Khê, trên con đường liên xã thuộc thôn 2, xã Thành An đưa ra nhận định, nguồn nước chảy ra ruộng nhà dân là "nước mưa" pha với nước tràn từ hồ chứa khẩn cấp nên cây trồng không thể sống nổi. Còn nước chảy vào nhà chị Lệ là từ hồ tuần hoàn của Nhà máy đường An Khê?!

Bất cập tại Nhà máy đường An Khê – Bài 2: Những tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng! ảnh 2
Trẻ em dính nước thải làm nổi mẩn ngứa khắp người.

Nói về mức độ nguy hiểm của nguồn nước, chị Lệ nhớ lại, cách đây ít lâu, do bất cẩn nên chị thò tay vào vũng nước xả thải của Nhà máy đường chảy qua làm cả cánh tay bị phồng rộp. Con trai chị Lệ cũng không may bị dính nước xả thải nên nổi mẩn ngứa khắp người.

Nếu như người dân thôn 2 đau đầu vì bị vây quanh bởi mùi hôi thối, khói bụi, tiếng ồn và nước thải thì người dân thôn 6 xã Thành An nhiều năm qua cũng “thở không nổi” vì bụi mía và mùi hôi.

Ông Đoàn Bá Khâm ở thôn 6, xã Thành An kể, cứ gió chiều nào thì người dân ở theo chiều đó “hưởng”. Khi nhà máy hoạt động vào vụ mùa, cặn bã mía bốc mùi hôi thối khắp một vùng. Mỗi khi có gió nồm (gió thổi từ hướng biển lên) là người dân thôn 6 lãnh đủ.

Nhà ông Khâm phải căng bạt, quây tôn, đóng kín cửa chính lẫn cửa sổ suốt ngày mà cũng "không ăn thua". Bàn ghế, đồ đạc cứ “hở” ra là bụi bám đầy trên bề mặt, tạo thành từng lớp. Giếng nước phủ bạt cũng không thể sử dụng. Ly nước vừa rót ra, lớp bụi đã kịp đóng thành ván mà không thể uống.

Bất cập tại Nhà máy đường An Khê – Bài 2: Những tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng! ảnh 3
Bụi từ Nhà máy đường An Khê bám đầy bàn ghế, gây các bệnh hô hấp cho người dân sinh sống bên cạnh.

Sức khỏe gia đình ông Khâm dần suy kiệt theo công suất hoạt động và mức độ ô nhiễm quanh Nhà máy Đường An Khê. Gia đình ông có 5 người đều mắc chứng bệnh viêm xoang và đều phải thực hiện biện pháp mổ để điều trị. Có những lần khói bụi mịt mù khiến ông Khâm phải bế cháu nội hơn 3 tuổi đi tránh ô nhiễm.

Ông Khâm và rất nhiều người dân khác đã nhiều lần gửi đơn phản ánh, kiến nghị, tố cáo đến chính quyền các cấp nhờ can thiệp, giải quyết nhưng những lời kêu cứu ấy vẫn rơi vào im lặng!

Tìm hiểu của Phóng viên Ngày Nay, hệ thống xả thải của Nhà máy Đường An Khê được xây dựng từ năm 2000, với công suất đầu tiên là 2.000 tấn/ngày. Đến năm 2019, nhà máy có 3 hạng mục, công suất tăng gấp 10 lần, đều xả thải vào hệ thống cũ.

Đối với Nhà máy tinh luyện đường RE, công trình này có quy mô vốn 1.500 tỷ đồng nhưng tiến hành thi công khi chưa có giấy phép và xảy ra tai nạn chết người. Cũng trong năm 2019, Nhà máy từng bị đình chỉ thi công, chính quyền, ngành chức năng Thị xã An Khê lại phát hiện và lập biên bản hành vi tổ chức thi công bất chấp các quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc. Điều đáng nói là bà Tô Thị Cư (con của cụ Tích và cụ Dốn) lại có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấ
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.