Bất cập tại nhà máy đường An Khê – Bài 1: Những ống “xả nước” bất thường
Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân thôn 2 và thôn 6 thuộc xã Thành An (Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) phải sống trong cảnh lo lắng, bất an bởi tình trạng khói bụi, nước thải và mùi hôi thối xuất từ Nhà máy đường An Khê.
Hành trình tìm ống “xả nước”
Nhận được lời kêu cứu từ người dân ở thôn 2, thôn 6 thuộc xã Thành An, nhóm phóng viên Ngày Nay đã có mặt tại khu vực Nhà máy đường An Khê để tìm hiểu sự việc.
Theo ghi nhận thực tế, Nhà máy đường An Khê được xây dựng diện tích hàng chục hecta. Thời điểm này đang vào mùa mía nên 3 con đường dẫn vào nhà máy có hàng trăm xe tải chở mía dừng chờ đến lượt vào cân. Bên trong, tiếng máy móc hoạt động ầm ĩ, những cột khói trắng bốc lên cao hàng chục mét...
Người dân cho biết, tình trạng này đã kéo dài từ lâu, cứ đến mùa thu hoạch mía thì người dân khu vực lân cận lại phải chịu trân. Nhưng vấn đề lo ngại nhất là việc xả nước thải, bởi cứ cách một thời gian, người dân lại phát hiện nước thải chảy vào ruộng vườn, mương nước...
Từ những thông tin ít ỏi thu thập được, chúng tôi tiến hành khảo sát quanh khu vực Nhà máy đường và phát hiện có ít nhất 3 nơi lắp đặt ống thoát nước.
Tại khu vực dốc cầu tràn sông Ba trên lối vào cổng chính Nhà máy có 3 ống nước lớn được cắm sâu xuống dòng sông. Một ống có đường kính khoảng 20cm, hai ống còn lại khoảng 40cm. Người dân qua lại chỉ thấy phần đầu ống, còn phần cuối không biết ở đâu?! Tại đây, luôn có bảo vệ túc trực, bất kể người lạ nào xuất hiện gần vị trí ống đều bị giám sát rất kỹ.
Người dân nói, muốn tìm chỗ thoát nước của Nhà máy cứ đi dọc bờ sông Ba về phía hạ nguồn. Khoảng hơn 16 giờ chiều 11/2/2022, chúng tôi tiến hành thực địa theo lời chỉ dẫn. Một thanh niên đang chèo xuồng chích cá nói: "Các anh đi vòng lên phía trên rồi xuống lại sẽ dễ hơn, nhưng đi dọc bờ sông cũng được, qua khỏi thác nước (khu vực ghềnh đá, nước chảy siết - PV) một đoạn sẽ thấy chỗ xả nước của Nhà máy".
Chúng tôi bắt đầu di chuyển từ khu vực gần cổng chính Nhà máy đường, theo mé sông xuống phía hạ nguồn khoảng gần 1km, qua khỏi con thác như lời người chích cá hướng dẫn thì nhìn thấy một mương nước nhỏ, rộng chừng 1m – 1,5m, kéo dài từ bờ sông đến khu vực tường gần Nhà máy. Một nông dân khẳng định, nước chảy ra từ Nhà máy sẽ mạnh hơn, có màu vàng đen và mùi hôi thối khi trời mưa. Tuy nhiên gần đây, nhờ báo chí phản ánh nên tình trạng này được khắc phục nhiều.
Quá trình thu thập thông tin, nhóm Phóng viên tiếp tục phát hiện một khu vực được lắp đặt ống xả thứ ba. Mặc dù chỉ cách tường rào lưới vừa được Nhà máy dựng lên bao quanh khu vực hồ xử lý nước thải, cách chòi bảo vệ phía Đông chừng 30m nhưng ống xả này rất ít người nhìn thấy hoặc tiếp cận được...
Ruộng vườn thành “vùng đất chết”
Chị Võ Thị Xuân Kiều (thôn 2, xã Thành An) đưa chúng tôi đến vị trí này, chỉ vào 2 miệng cống cho biết, ống nhỏ phía trên có đường kính khoảng 50cm, ống lớn nằm phía dưới là bê tông cốt thép có đường kính khoảng 2m. Đường ống chạy từ trong Nhà máy đường thò ra và "núp lùm" dưới đám cỏ bên mép đường bê tông liên xã.
Chị Kiều bức xúc, thời gian qua, nước từ Nhà máy đường thường xuyên chảy ra đây. Sau đó, nước chảy vào ruộng và ra sông Ba. Nước từ 2 miệng cống này thường có màu đen và mùi hôi thối. Chị mang những thắc mắc hỏi Nhà máy thì họ bảo là cống xả nước mưa. “Nước mưa gì mà nó khiến mảnh ruộng nhà tôi có chiều ngang gần 30m, kéo dài hơn 100m từ đường bê tông liên xã ra tới sông Ba trở nên sình lầy và ô nhiễm tới mức không thể canh tác, trồng trọt?”.
Theo chị, cả mảnh ruộng bị phủ lớp bùn đen rất dày và không thể cày bừa được. Chưa kể, chất thải khiến cho các chất hữu cơ trong đất không còn nên trồng cây là chết, là cháy lá. Chị Kiều cầm cái xẻng trên tay rồi cào nhẹ mặt ruộng, dưới lớp bùn mỏng trên bề mặt là lớp bùn đen nhão và không biết sâu đến mức nào...?!
“Nhà máy đường thuê máy xúc đến để khắc phục bùn và ô nhiễm mà họ gây ra cho ruộng của tôi nhưng lần nào cũng thất bại bởi máy cày, máy kéo không chạy nổi vì bùn đen quá nhiều”, chị Kiều cho hay.
Theo chứng cứ mà người dân cung cấp, nhiều ngày giữa và cuối năm 2021, ruộng nhà chị Kiều bị nước ở hai miệng cống từ nhà máy đường đổ tràn ra lênh láng, ngập sâu. Lần theo dòng nước, người dân phát hiện nguồn nước này tràn từ hồ chứa nước khẩn cấp của nhà máy đường.
Chưa hết, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mới đây đã có không dưới 2 lần nước thải từ nhà máy chảy sang nhà dân (vào ngày 12/1/2022 và 26/1/2022). Đó là chưa kể, mỗi ngày nước từ trong nhà máy rỉ từ hồ tuần hoàn chảy ra, ngấm vào đất... làm cây cỏ héo úa, chết khô.
Trước tình hình nghiêm trọng kể trên, người dân đã gọi điện cho công an xã đến lập biên bản. Nhà máy lại giải thích đó là cống thoát nước mưa. “Nếu là nước mưa thì tại sao lại có đến 2 miệng cống? Vậy cống nào là cống nước mưa và cống nào là nước thải?”, chị Kiều một lần nữa thắc mắc.
“Vài tháng trước, do việc xả thải bị người dân phát hiện và làm dữ nên nhà máy mới chịu lấp một miệng cống xả. Tôi chỉ yêu cầu họ bít cống lại và không được xả nước từ nhà máy ra ruộng của tôi”, chị Kiều yêu cầu và cho biết, chỉ mong được canh tác, sản xuất trên cánh đồng rộng gần 4.000m2.
Theo chị, Nhà máy ngỏ ý muốn đền bù, giải toả nhưng gia đình không chấp nhận. Chị chỉ yêu cầu Nhà máy giữ vệ sinh môi trường, gia đình được trồng trọt trên đất hơn là mong muốn được di dời, giải toả.
Những năm qua, không biết bao lần người dân kêu cứu, hết đoàn này đến đoàn cơ quan chức năng khác về, họ đến rồi đi nhưng ô nhiễm vẫn cứ tiếp diễn. Thậm chí, khi người dân phát hiện thêm những chỗ chứa nước hay ống thải mới, kêu cứu thì tình hình vẫn không có gì thay đổi. Chị Kiều thở dài rồi thốt lên, họ đã biến “bờ xôi ruộng mật” của nhà tôi thành “vùng đất chết”!
Nhà máy Đường An Khê (thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) được xây dựng vào năm 2000 trên diện tích 17ha (tổng diện tích mặt bằng hiện nay là 35,58ha) tại thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2001 với công suất 2.000 tấn mía/ngày, sau đó nâng lên 18.000 tấn mía/ngày vào những năm 2016-2017. Hiện, tỉnh Gia Lai đang vào mùa mía và nhà máy gần như hoạt động hết công suất. |
Nhà máy đường An Khê – Bài 2: Những tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng!