Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 05/05/2022 15:45 (GMT+7)

Bắc Giang: Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà “dính” nghi vấn xử phạt trái thẩm quyền?

Theo dõi GĐ&PL trên

Sau khi xác định một doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép, thu lợi bất chính gần 1 tỷ đồng, thay vì chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT để điều tra theo thẩm quyền thì Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà lại ra quyết định phạt hành chính.

Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tại hiện trường mỏ khai thác khoáng sản (cát, sỏi) ở Bãi Soi Xuân Biều, thôn Xuân Giang, xã Mai Trung (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) của Công ty TNHH một thành viên Chiến Yến (sau đây viết tắt là Công ty Chiến Yến, có địa chỉ: Thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã gây hệ luỵ lớn về môi trường, tàn phá tuyến đê là đường dân sinh của người dân trong khu vực. Đặc biệt doanh nghiệp này còn bị "tố” khai thác khoáng sản trái phép, thu lợi bất hợp pháp số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ông T.M.T bức xúc về việc thửa đất của gia đình ông đang sinh sống bị “uy hiếp” bởi hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Chiến Yến

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông T.M.T người sinh sống ngay sát khu vực khai thác của doanh nghiệp này cho biết: Nguồn gốc và vị trí khai thác khoáng sản của Công ty Chiến Yến là Bãi Soi Xuân Biều, đây là nơi trồng hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản từ thời xa xưa của các cụ. Mới đây, công ty đã mua lại khu đất này của người dân với giá 80 triệu đồng/1 sào (360m2).

Cũng theo ông T.M.T, sau khi mua được khu đất trên, Công ty Chiến Yến đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Bắc Giang cấp phép khai thác khoáng sản tại đây. Tuy nhiên, quá trình khai thác doanh nghiệp đã không tuân thủ các quy định về hoạt động theo giấy phép. Chính vì vậy đã khai thác vượt chỉ giới, chiều sâu khai thác trung bình 25m, có điểm sâu lên đến 30m dẫn đến sạt lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông Cầu, xâm phạm trực tiếp vào khu đất ở (đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ – PV) của gia đình tôi, nên tôi đã làm đơn phản ánh sự việc đến chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang và huyện Hiệp Hoà.

tm-img-alt
tm-img-alt
Khai thác khoáng sản trái phép của doanh nghiệp đã làm cho tuyến đê và cũng là đường dân sinh của người dân bị sạt lở nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến việc giải quyết đơn phản ánh của công dân và kết quả kiểm tra hoạt động khai thác của Công ty Chiến Yến. Ngày 21/3/2022, UBND huyện Hiệp Hoà ban hành Quyết định số 1266/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty Chiến Yến. Quyết định này do Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Thảo ký thay Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà.

Nội dung quyết định thể hiện, Công ty Chiến Yến đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: khai thác khoáng sản (cát, sỏi) vượt ra ngoài điểm gần nhất (mốc số 1) của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) là 07m; diện tích khai thác ra ngoài ranh giới là 5.900m; độ sâu khai thác (cát, sỏi) là 1,75m tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm là 10.325,35 m3 cát, sỏi. Trong đó khối lượng từng loại khoáng sản như sau: cát đen là 3.545.36m3; cát vàng là 4.921.467 m3; sỏi là: 1.858,516m³.

Với hành vi vi phạm trên Công ty Chiến Yến, UBND huyện Hiệp Hoà xử phạt hành chính với mức phạt là 120.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Chiến Yến với thời gian là 7,5 tháng, kể từ ngày ban hành Quyết định xử phạt.

Về các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc Công ty Chiến Yến chấm dứt ngay các hành vi vi phạm nêu trên, đồng thời thực hiện các nội dung sau: San gạt, cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn; Nộp lại số lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên với tổng số tiền 901.146.210 đồng (Chín trăm linh một triệu, một trăm bốn mươi sáu nghìn, hai trăm mười đồng).

tm-img-alt
Thửa đất nơi gia đình ông T.M.T đang sinh sống bị mất an toàn do hoạt động khai thác khoáng sản trái phép của Công ty Chiến Yến

Việc UBND huyện Hiệp Hoà "giơ cao đánh khẽ” trước hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Chiến Yến khiến dư luận xã hội băn khoăn, lo ngại đây sẽ là vụ việc tạo ra tiền lệ xấu khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng như cá nhân đã và đang hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và tại huyện Hiệp Hoà nói riêng sẽ "nhờn luật”.

tm-img-alt
Tuyến đê là đường dân sinh của người dân bị huỷ hoại do hoạt động khai thác khoáng sản “quá đà” của doanh nghiệp đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả.

Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Trương Xuân Hải, thành viên Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích: Việc UBND huyện Hiệp Hoà ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty Chiến Yến mà không chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an huyện Hiệp Hoà để khởi tố điều tra vụ án có phải là do sự yếu kém của cơ quan tham mưu hay vì một lý do nào khác ?! Trong trường hợp này cho thấy, đây là dấu hiệu "bất thường”, chưa phù hợp với quy định pháp luật, có dấu hiệu sai thẩm quyền, bỏ lọt tội phạm.

Viện dẫn căn cứ pháp lý, Luật sư Hải nêu rõ: theo điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, như sau:

  1. Người nào vi phạm quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
  2. a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;...

Ngoài ra, khi để doanh nghiệp vi phạm pháp luật như trên, một phần nguyên nhân thể hiện dấu hiệu buông lỏng quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền của huyện Hiệp Hoà, chính quyền xã Mai Trung và các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại đặt nghi vấn có hay không nhóm lợi ích tiêu cực đã và đang tồn tại tại mỏ khai thác khoáng sản của Công ty Chiến Yến?

Để thượng tôn pháp luật, đồng thời để mọi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, thiết nghĩ lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cần vào cuộc chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan tiến hành thanh kiểm tra, nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện lại hồ sơ xử lý vi phạm của UBND huyện Hiệp Hoà đối với những hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Chiến Yến trong vụ việc trên, qua đó xử lý nghiêm khắc đảm bảo tính răn đe và ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc. Điều đáng nói là bà Tô Thị Cư (con của cụ Tích và cụ Dốn) lại có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấ
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.