80-90% trẻ em Việt Nam sẽ bị cận thị
Đây là dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỉ lệ trẻ em sẽ bị cận thị ở châu Á, trong đó có Việt Nam, vào năm 2050. Theo các số liệu trên thế giới, sau dịch COVID-19, số trẻ em bị cận thị tăng cao đáng kể.
Theo các số liệu trên thế giới, sau dịch COVID-19, số trẻ em bị cận thị tăng cao đáng kể.
WHO dự đoán 50% dân số trên thế giới sẽ bị cận vào năm 2050, riêng ở châu Á cận thị nhiều hơn do yếu tố chủng tộc, với 80-90% trẻ em châu Á sẽ bị cận thị.
Các yếu tố liên quan đến cận thị là chủng tộc, gene, môi trường (đặc biệt như hoạt động nhìn gần nhiều: nhìn điện thoại, máy tính nhiều, ít hoạt động ngoài trời, ở trong nhà nhiều...).
Trẻ em ở TP thường có tỉ lệ cận cao hơn so với nông thôn vì có thể trẻ em ở nông thôn được chơi ngoài trời nhiều hơn.
Ngoài ra, áp lực học tập ở TP cũng có thể cao hơn. Khi áp lực học tập cao, trẻ phải học tập nhiều, sẽ tăng thời gian nhìn gần. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ bị cận thị.
Bác sĩ CKII Phan Hồng Mai - trưởng khoa khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết trẻ em mắc bệnh cận thị ngày càng có xu hướng tăng, đặc biệt sau mùa dịch COVID-19, trẻ học online trên máy vi tính kéo dài, nhiều trẻ bị "nhốt" ở trong nhà và với những trẻ đã bị cận thì dễ tăng độ thêm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh - chuyên khoa mắt - cho biết hiện nay có rất nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ mắc các bệnh về mắt gia tăng như: cận thị, mất thị lực, đau mỏi mắt... Nguyên nhân chính là tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, áp lực lớn trong việc học, sử dụng màn hình điện tử sai cách, di truyền, chế độ dinh dưỡng...
ThS Nguyễn Thành Danh - khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh, có bước sóng nằm sát với tia tử ngoại gây nguy cơ giảm và mất thị lực.
Để phòng tránh tác hại của ánh sáng xanh, phụ huynh nên sắp xếp cho trẻ thời gian biểu học tập hợp lý, chỉnh chế độ "night light" trên màn hình máy tính. Bên cạnh đó, trẻ cần được mang kíh có chức năng lọc ánh sáng xanh khi sử dụng thiết bị điện tử.
"Phụ huynh nên đặt thiết bị điện tử sao cho trung tâm màn hình thấp hơn vị trí của mắt khoảng 10cm; không đặt màn hình thẳng đứng nhằm tránh tình trạng phản chiếu ánh sáng. Khoảng cách giữa thiết bị và học sinh là 40cm đối với điện thoại di động; 60-65cm đối với máy tính để bàn, máy tính xách tay", bác sĩ Danh cho hay.
Đối với tivi, bác sĩ Danh khuyến cáo khoảng cách ước lượng lớn hơn 1,5 lần kích thước màn hình.
Ví dụ: tivi 50 inches, khoảng cách phù hợp lớn hơn 75 inches, tương đương khoảng 2m.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ học bằng điện thoại bởi màn hình điện thoại khá nhỏ, tốt nhất nên sử dụng máy tính để bàn (desktop) hoặc máy tính xách tay (laptop).
Có thể sử dụng tivi kết nối với máy tính xách tay để có được một màn hình lớn hơn, tuy nhiên cần lưu ý đến độ cao và khoảng cách của tivi đối với vị trí của trẻ.
Đồng thời, việc xây dựng thời lượng học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay (35-45 phút một tiết học, có 5-10 phút chuyển tiết và có giờ giải lao 15-20 phút sau mỗi ba tiết học) đã dựa trên khả năng tập trung của mắt.
Do đó, phụ huynh nên nhắc nhở các bé thời gian nghỉ giữa hai tiết học và thời gian giải lao để nghỉ ngơi mắt. Khi giải lao, phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với thiết bị kể cả tivi.