3 kỹ năng dạy trẻ chào hỏi lễ phép trong dịp Tết, ai cũng gật đầu khen ngợi: Bố mẹ khéo thế!
Chào hỏi lễ phép với người lớn là kỹ năng cơ bản mà trẻ cần được học từ sớm. Kỹ năng này giúp trẻ hình thành tính cách tốt trong tương lai.
“Tiên học lễ, hậu học văn” là lời dạy từ xa xưa của ông cha ta. Lời dạy này đến nay vẫn còn giữ vẹn nguyên giá trị. Từ đó có thể thấy, giáo dục lễ nghi phép tắc là điều quan trọng trong vấn đề nuôi dạy trẻ của tất cả những ông bố bà mẹ.
Đặc biệt là trong dịp lễ Tết này, trẻ sẽ được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người, nhiều mối quan hệ. Nếu trẻ biết nói lời chào hỏi lễ phép với người lớn, trẻ sẽ không chỉ rèn luyện được thói quen tốt. Thêm vào đó, trẻ còn sẽ nhận được sự tôn trọng, khen ngợi và yêu thương từ tất cả mọi người.
Tuy nhiên, có nhiều đứa trẻ vẫn còn tỏ thái độ rất bướng bỉnh và không vâng lời. Vì thế chúng thường sẽ phớt lờ đi hành động chào hỏi khi gặp người lớn. Trong trường hợp này, bố mẹ cần có bí quyết đúng đắn để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng chào hỏi lễ phép tốt nhất.
Nhẹ nhàng giải thích cho trẻ ý nghĩa của việc chào hỏi
Hầu hết những đứa trẻ đều sẽ vâng lời bố mẹ và vui vẻ làm theo lời dạy của bố mẹ, khi chúng thực sự hiểu được giá trị, ý nghĩa của lời dạy đó. Trong vấn đề giáo dục kỹ năng chào hỏi lễ phép cho trẻ cũng không ngoại lệ.
Bố mẹ nên giải thích rõ cho trẻ hiểu, việc chào hỏi khi gặp người lớn là hành động thể hiện sự lễ phép, tôn trọng dành cho họ.
Hãy nói cho trẻ biết, nếu muốn người khác tôn trọng mình thì trước tiên mình phải là người tôn trọng họ trước. Bên cạnh đó, việc trẻ chào hỏi sẽ để lại ấn tượng tốt trong lòng mọi người, về hình ảnh của một đứa trẻ ngoan. Từ đó, trẻ sẽ nhận được tình yêu thương nhiều hơn.
Chủ động, làm gương cho trẻ
Thay vì việc bố mẹ thể hiện sự dồn dập, thúc ép trẻ phải cúi đầu, vòng tay chào người lớn bằng những lời nói, thì hành động của bố mẹ sẽ mang đến hiệu quả rõ rệt hơn.
Học ở trường lớp, không bằng học từ chính bố mẹ của mình. Bởi vì bố mẹ gần gũi với trẻ nhất, cho nên bố mẹ như thế nào thì trẻ cũng sẽ xây dựng bản thân chúng như thế.
Bố mẹ nên để trẻ quan sát hành động thực tế từ bố mẹ, bằng cách thường xuyên nở nụ cười vui vẻ và nói lời chào hỏi với những người xung quanh, trước sự “chứng kiến” của trẻ.
Đồng thời, bố mẹ cũng cần có sự tương tác với trẻ bằng những lời chào thân mật. Điều này sẽ giúp trẻ ghi nhớ rằng, chào hỏi là việc làm cần phải thực hiện thường xuyên.
Để trẻ học theo một cách tự nguyện
Giáo dục dưới hình thức tự nguyện ở kỹ năng này là rất cần thiết đối với trẻ. Vì vậy, bố mẹ là những người cần tập kiềm chế cảm xúc, kiên nhẫn chờ đợi trẻ. Ép buộc trẻ bằng những lời chỉ trích, la mắng sẽ chỉ khiến cho trẻ dễ bị tổn thương mà thôi.
Để trẻ phát triển và học hỏi tốt nhất, bố mẹ nên cho trẻ thời gian để thích nghi. “Mưa dầm thấm lâu”, khi trẻ dần quen với việc lễ phép chào hỏi mọi người, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn trong giao tiếp.
Ngoài ra, với tâm lý thoải mái thì trẻ cũng sẽ chủ động trong vấn đề chào hỏi mà không cần đến sự nhắc nhở từ bố mẹ.