Xuýt xoa mâm cúng đầy đủ vật phẩm cùng màu sắc bắt mắt trong dịp Tết Đoan Ngọ
Theo thông lệ hằng năm, cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ, các gia đình Việt lại tất bật trổ tài làm các mâm cúng để dâng lên thần linh, ông bà, tổ tiên nhằm bày tỏ lòng thành kính và cầu mong sức khỏe, toàn gia an khang.
Tết Đoan Ngọ diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch. Năm nay, Tết Đoan Ngọ sẽ rơi vào ngày 3/6/2022 dương lịch. Hằng năm, khi vào ngày này, người dân ở mọi vùng miền cả nước lại tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng dâng lên tổ tiên, thần linh với mong muốn cầu cho mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại. Bên cạnh đó, dịp này còn là dịp để mọi người cũng cầu sức khỏe, bình an.
Tùy theo quan niệm của từng vùng và điều kiện của mỗi gia đình mà các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ cũng có những sự khác biệt.
Tuy nhiên, mỗi mâm lễ cúng đều phải đảm bảo có đầy đủ các lễ vật chính như: hương, hoa, vàng mã, nước, cơm rượu nếp, bánh tro (bánh gio),…
Bên cạnh đó, mâm quả dâng lên thờ cúng tổ tiên là điều không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Những loại quả có vị chua như xoài, mận, cóc, vải,... thường được chọn để cúng vào dịp này. Vì theo quan niệm, đây là những loại quả có tính nóng, người dân mong có thể xua đuổi sâu bệnh, côn trùng gây hại.
Thông thường với nhiều gia đình ở miền Bắc, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ thường có đầy đủ các lễ vật gồm: một số loại hoa tươi như hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa hoàng lan; trái cây mùa hè như mận, vải, xoài và cơm rượu nếp như nếp cẩm, nếp cái hoa vàng hay bánh tro, xôi,...
Ở miền Nam, vào dịp Tết Đoan Ngọ, người dân nơi đây thường chuẩn bị mâm lễ cúng với các món ăn đặc trưng như bánh ú tro, chè trôi nước, xôi gấc,… Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng quây quần bên mâm cỗ để thưởng thức những món ăn này, cầu mong một năm thuận lợi, bội thu và dồi dào sức khỏe.