Sẽ xem xét mở rộng miễn học phí cho hệ giáo dục dân lập, tư thục
Chính phủ đề xuất hỗ trợ 350.000 đồng/tháng học phí và tiền ăn trưa cho học sinh mầm non; mở rộng hỗ trợ học phí cho con công nhân học trường dân lập, tư thục.
Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 03-05 tuổi.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, nghị quyết nhằm xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ ra, hiện nay, giáo dục mầm non vẫn còn khó khăn, thách thức lớn. Số lượng khá lớn trẻ mẫu giáo từ 03-04 tuổi (chủ yếu trẻ em ở vùng khó khăn, đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận giáo dục mầm non, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn nghèo nàn. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Do đó, dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết ba nhóm chính sách bao gồm ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo ở độ tuổi thực hiện phổ cập, nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ mẫu giáo từ 03-05 tuổi.
Ngoài ra, đề xuất trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025-2026; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm cơ sở giáo dục mầm non có liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.
Đồng thời đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.
Chính phủ dự kiến cần tổng kinh phí hơn 116.000 tỉ đồng thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 03-05 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030).
Trong đó, dự kiến kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo hơn 1.000 tỉ đồng/năm, bao gồm hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/tháng/trẻ trong 09 tháng; hỗ trợ tiền ăn trưa mỗi trẻ 200.000 đồng/tháng/trẻ trong 09 tháng, tăng so với mức cũ 160.000 đồng/tháng.
Tổng kinh phí cần cho cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện tối thiểu theo quy định (chuẩn tối thiểu) là hơn 91.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có kinh phí thu hút, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non thực hiện nhiệm vụ phổ cập.
Dự kiến nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Trước băn khoăn về việc mở rộng các đối tượng ra các đơn vị giáo dục ngoài công lập, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi Bộ Chính trị có kết luận về miễn học phí thì Thường trực Ban Bí thư đã có Văn bản số 14251 chỉ đạo Đảng bộ Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét mở rộng đối tượng cho các trường dân lập và tư thục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, về chính sách thiết thực hỗ trợ cho trẻ em thì mở rộng diện hỗ trợ học phí cho trẻ em học trường dân lập, tư thục là con công nhân tại các khu công nghiệp. Việc này cũng đang được thực hiện trong chỉ đạo của Bộ Chính trị trong miễn học phí cho trẻ em. Việc mở rộng này là phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, trong nghị quyết này mở rộng đối tượng là có căn cứ và cũng đang thực hiện liên thông với nghị quyết về miễn học phí trình Quốc hội trong kỳ họp này.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 03-05 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, cần xác định lộ trình theo từng năm học trong giai đoạn 2026-2030.
Lộ trình này cần được quy định trong nghị quyết để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị những điều kiện bảo đảm như xây dựng trường, lớp; kinh phí thực hiện xây dựng trường, lớp theo đề án hằng năm.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, nghị quyết ưu đãi đối với các con em từ 03-05 tuổi học ở những trường dân lập và bố mẹ đang làm công nhân khu công nghiệp hoặc lao động.
Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội đề xuất nếu được thì khuyến khích trong các khu công nghiệp cần phải có quỹ đất và được miễn thuế, rồi những chính sách vượt trội để xây dựng những trường mầm non để cho con em của chính những người công nhân này.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội, hiện nay mới đang có những chính sách nhà ở cho công nhân nhưng chưa có trường mầm non.