Xúc phạm, lăng mạ người khác trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Do một số hiểu nhầm, hiện tại tôi đang bị một đối tượng nhắn tin chửi bới, nhục mạ trên tin nhắn cũng như trên mạng xã hội. Vậy tôi muốn hỏi, hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác bị xử lý thế nào và tôi cần làm gì để bảo vệ mình trong trường hợp nêu trên.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội cho biết, quyền của mỗi người đối với danh dự, nhân phẩm của mình được pháp luật bảo vệ và được thể hiện trong nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ đạo luật cao nhất là Hiến pháp cho đến các quy định pháp luật chuyên ngành.
Khoản 1 Điều 20, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Như vậy, xét về góc độ pháp lý thì hành vi xúc phạm, lăng mạ, làm nhục người khác qua các tin nhắn trên mạng xã hội và tin nhắn điện thoại của các cá nhân là vi phạm pháp luật.
Mặc dù pháp luật có quy định về quyền tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận nhưng chúng ta cần thực hiện một cách có giới hạn. Mọi hành vi đi quá giới hạn, làm tổn hại hoặc xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ", “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Ngoài ra, tại điểm d, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng đưa ra các hành vi bị cấm bao gồm:
“Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. |
Theo đó, hành vi xúc phạm, lăng mạ, làm nhục người khác trên mạng xã hội, trên tin nhắn điện thoại (mạng viễn thông) thì tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cá nhân có thể bị xử phạt số tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong trường hợp nếu như hành vi lăng mạ, xúc phạm đó gây những hậu quả nghiêm trọng thì hành vi đó có thể sẽ bị cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; …” |
Khi đó, người bị lăng mạ, xúc phạm có thể làm đơn gửi tới cơ quan công an hoặc trực tiếp tới trụ sở công an để trình báo về sự việc trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như danh dự, nhân phẩm của mình.