Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 16/01/2024 11:50 (GMT+7)

Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn

Theo dõi GĐ&PL trên

Ngày 15/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua.

Phó Thủ tướng nhận định, Hải Phòng là thành phố cảng đặc biệt quan trọng, là trung tâm công nghiệp, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại, công nghệ thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ trù phú và hội đủ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho phát triển…

Hải Phòng cũng là một đỉnh trong tam giác kinh tế sôi động bậc nhất cả nước: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với vị trí địa kinh tế độc đáo, hệ thống giao thông đồng bộ để trở thành một trong những “cửa ngõ” kết nối quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía bắc, khu vực phía nam Trung Quốc và hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình…

tm-img-alt
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Hải Phòng.

Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía bắc và kết nối quốc tế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kỳ vọng, Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng phát triển trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Đồng thời, Quy hoạch cũng là cơ sở để Hải Phòng chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, để Quy hoạch trở thành hiện thực, nhân tố quyết định thành công chính là tinh thần năng động, sáng tạo đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của nhân dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển và giám sát việc thực hiện quy hoạch này.

tm-img-alt
Tầm nhìn đến năm 2045 - 2050 Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới

Theo Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký: Quy hoạch thành phố Hải Phòng đưa ra 6 quan điểm phát triển, đó là:

Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các Chiến lược quốc gia, các Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI; chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đặc biệt là “cửa chính ra biển” đối với cả miền Bắc, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, của Bắc Bộ và cả nước.

Tập trung phát triển một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là lĩnh vực kinh tế biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước; sớm trở thành thành phố có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế.

Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế; mở rộng, phân bố không gian phát triển hợp lý, gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; đảm bảo an toàn cuộc sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp cả trên đất liền và trên biển, đảo; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, làm cơ sở cho việc phát triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và các loại khoáng sản; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là: Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Trải qua gần 70 năm mùa phượng nở, Thành phố Cảng ngày nào đã khoác lên mình một diện mạo mới khang trang của một thành phố năng động, sáng tạo, một đô thị sầm uất, văn minh.

Dự báo dân số Hải Phòng đến năm 2030 khoảng 2,8 - 3,0 triệu người, dân số đô thị khoảng 2,0-2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74-76%; dân số đến năm 2040 khoảng 3,9-4,7 triệu người, dân số đô thị khoảng 3,2-4,0 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 80-86%.

Đến năm 2030, diện tích đất xây dựng đô thị của Hải Phòng khoảng 52.500 - 53.500 ha (trung bình khoảng 250 - 260 m2/người), trong đó: Đất dân dụng khoảng 17.500 - 18.500 ha (trung bình khoảng 80 - 88 m2/người); đất ngoài dân dụng khoảng 35.500 - 36.500 ha.

Đến năm 2040, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 72.000 - 73.000 ha (trung bình khoảng 215 - 225 m2/người), trong đó: Đất dân dụng khoảng 25.500 - 26.500 ha (trung bình khoảng 65 - 80 m2/người); đất ngoài dân dụng khoảng 47.500 - 48.500 ha.

Với vị trí quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng, thành phố Hải Phòng đã và đang nỗ lực phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, vừa là điều kiện để Hải Phòng bứt tốc mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, vừa tạo “cú huých” cho sự bứt phá của cả vùng.

"Với vai trò là đầu tàu kinh tế trong khu vực, Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn là trách nhiệm với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong đó, việc tăng cường liên kết vùng không chỉ tạo động lực phát triển cho toàn vùng, mà kỳ vọng sẽ tạo ra thế và lực mới cho Hải Phòng phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn nữa…", Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bình Thuận: Khởi tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh và 11 bị can là cựu lãnh đạo các sở, ngành
Căn cứ kết quả điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án KĐT du lịch biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư, mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bắc Bộ nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiều nơi trên 41 độ C
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 28/4, Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội tiếp tục trạng thái ngày nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến ở mức 37-39 độ C; đêm không mưa. Trung Bộ và Nam Bộ ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.
Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).