Kiến nghị bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giấy, tích hợp vào mã định danh công dân
Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chuyển đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giấy bằng cách định danh thửa đất, tờ bản đồ tích hợp vào mã định danh công dân.
Mới đây, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, kiến nghị về việc số hóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) và điều chỉnh chính sách tính tiền sử dụng đất.
Theo Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, việc số hóa sổ hồng sẽ tạo nền tảng dữ liệu đất đai thống nhất, hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý thuế bất động sản, đồng thời ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ. Do đó, Viện đề xuất tích hợp thông tin thửa đất và tờ bản đồ trực tiếp vào mã định danh công dân.

Văn bản kiến nghị nêu rõ, giải pháp này phù hợp với Luật Đất đai 2024 và định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia. Việc này sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và chính xác trong công tác quản lý đất đai, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược trong thời kỳ số hóa.
Giải pháp này không chỉ giúp cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu, xác lập quyền sở hữu mà còn tránh được tình trạng làm giả giấy tờ. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu này sẽ là nền tảng phục vụ nhiều lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, thu thuế, phù hợp với định hướng của Luật Đất đai 2024 về xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Bên cạnh đó, Viện cũng kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 103/2024/NĐ-CP. Theo Viện này cho rằng để “đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” theo Nghị quyết 66 thì việc điều chỉnh một số điều khoản trong Nghị định 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ là rất cần thiết.
Cụ thể, cách tính tiền sử dụng đất tại Điều 8, khi hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, đang làm chi phí tăng gấp nhiều lần, gây áp lực tài chính và tâm lý e ngại cho người dân.
Theo phản ánh, có nơi mức chi phí tăng gần 20 lần so với trước đây, dẫn đến số lượng hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất sụt giảm, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Ngoài ra, Viện cũng chỉ ra sự thiếu nhất quán giữa Điều 8 và Điều 9 của Nghị định 103/2024/NĐ-CP, đặc biệt là việc không áp dụng tỉ lệ phần trăm trong hệ số K hoặc Kn, khiến quá trình tính toán và thu tiền gặp khó khăn. Hệ quả là việc thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất trong quý IV/2024 và quý I/2025 gần như đình trệ, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển khu vực tư nhân theo Nghị quyết 68.
Từ thực tế trên, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ sớm đánh giá lại Nghị định 103 một cách toàn diện, để có những điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tế và nhu cầu của người dân, góp phần đảm bảo chính sách pháp luật nhất quán và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận gồm một tờ có 02 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận), có kích thước 210 x 297 mm; bao gồm các nội dung theo quy định.