Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 17/03/2024 09:08 (GMT+7)

Vụ nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng: Khách hàng cần hiểu rõ khi sử dụng thẻ tín dụng

Theo dõi GĐ&PL trên

Vụ việc khách hàng bị món nợ thẻ tín dụng Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) 8,5 triệu đồng từ năm 2013 đến nay đã thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua, khiến các khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng lo lắng và có sự quan tâm đến tính rủi ro của sử dụng loại thẻ này.

Vụ nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng: Khách hàng cần hiểu rõ khi sử dụng thẻ tín dụng

Chị Trần An Vy (Hà Nội) là khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng cho biết, lâu nay thường xuyên dùng thẻ tín dụng vì có rất nhiều ưu điểm như có ưu đãi % cho người dùng, được miễn lãi 45 ngày, nhưng qua sự việc của Eximbank khiến chị giật mình phải gọi điện đến các ngân hàng đang cung cấp dịch vụ kiểm tra lại hết số thẻ đang dùng.

“Tôi sử dụng khá nhiều thẻ cho các mục đích khác nhau và thường thanh toán đúng hẹn. Nhưng cũng vì sử dụng nhiều thẻ nên lo lắng lỡ quên thanh toán dẫn đến “lãi mẹ đẻ lãi con” như trường hợp đang xôn xao hiện nay thì “căng” lắm”, chị Trần An Vy nói.

Không giống chị Vy, anh Lê Khắc Quý (Thanh Hóa) cho biết, anh không dùng thẻ tín dụng nhưng đọc vụ việc ở Quảng Ninh anh đã phải kiểm tra xem mình có bị lấy cắp thông tin để mở thẻ ngân hàng ở đâu không.

Còn chị N.T.T tại Hà Nội thì chia sẻ, có sử dụng thẻ tín dụng tại một ngân hàng, đến thời hạn thanh toán hàng tháng chị đều tất toán đầy đủ. Nhưng có một tháng chị trả chậm gần 10 ngày số tiền 10 triệu đồng trên tổng số nợ hơn 200 triệu đồng. Và tháng đó, chị đã phải trả phạt gần 9 triệu đồng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, khách hàng trong thời gian dài không trả nợ mà ngân hàng có thể đưa ra con số nợ rất lớn như hiện tại có thể là do cách tính của ngân hàng, bao gồm lãi kép, lãi phạt. Lãi phạt thường rất lớn, có thể lên đến 150%, khiến số nợ ban đầu của khách bị đội lên rất cao.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để sử dụng thẻ tín dụng an toàn, người có thẻ phải hiểu tất cả những hướng dẫn sử dụng; lập mật khẩu và giữ mật khẩu không để lộ ra ngoài; trả nợ đúng hạn để không bị tính lãi. Quan trọng nhất phải tính toán khi mua món hàng nào đó thì mình có đủ khả năng trả nợ hay không. Thường thường ngân hàng dùng chỉ tiêu nợ mỗi tháng chia cho thu nhập của người đó. Tỷ lệ an toàn nhất là 50%. Tỷ lệ này lên càng cao thì càng rủi ro.

Thẻ tín dụng là một trong những giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp. Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45 - 55 ngày, hết thời hạn miễn lãi, có thể chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê) là thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.

Theo đó, với trường hợp chủ thẻ chọn thanh toán dư nợ tối thiểu (khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ sao kê) sẽ không bị tính phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, khoản nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất lên tới 20 - 40%/năm (tùy ngân hàng) và sẽ được cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp.

Còn trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán đủ dư nợ tối thiểu trong 1 kỳ sao kê theo thông báo của ngân hàng, sẽ bị tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ cộng thêm phí chậm trả.

Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: Số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó (không phải tính dựa trên dư nợ gốc). Ngoài những lãi suất kể trên, sử dụng thẻ tín dụng khách hàng còn có thể phải chịu thêm nhiều loại lãi suất khác như: lãi suất thẻ tín dụng khi rút tiền mặt. Khi sử dụng tính năng rút tiền mặt tại các ATM, khách hàng sẽ chịu một khoản phí áp trên số tiền đã rút, dao động từ 3 - 5% tùy theo quy định của từng ngân hàng.

Đồng thời, việc chậm thanh toán thẻ tín dụng khiến khách hàng bị chuyển thành nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của khách hàng lưu trữ trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), khiến khách hàng khó tiếp cận với dịch vụ vay vốn từ tất cả ngân hàng.

Các chuyên gia cho biết, khách hàng có thể theo dõi thông tin tín dụng của bản thân, bằng cách tra cứu miễn phí trên website của CIC, dù đã từng vay ngân hàng hay chưa.

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể kiểm tra trực tiếp trong quá trình giao dịch với ngân hàng, công ty tài chính. Khách hàng cũng có thể nhờ nhân viên tại đây kiểm tra thông tin tín dụng (thường mất phí). Với trường hợp này, khách hàng cũng cần cung cấp cho tổ chức tín dụng giấy chứng minh nhân dân có cả mặt trước và mặt sau.

Thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng đã liên tiếp phát đi cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận mời chào khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng online...

Các đối tượng thường áp dụng cách kết bạn qua mạng xã hội và gửi thông tin ưu đãi liên quan đến hoạt động thẻ kèm đường dẫn hoặc mã QR Code dẫn đến website giả mạo ngân hàng; đồng thời hối thúc khách hàng nhập các thông tin cá nhân như ảnh chụp 2 mặt chứng minh nhân dân, căn cước công dân, 2 mặt thẻ tín dụng, mã bảo mật. Sau khi cung cấp các thông tin trên, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng của khách hàng.

Do đó, các ngân hàng thương mại khuyến cáo, người dùng lưu ý không cho người khác mượn thẻ, không lưu thông tin thẻ trên điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị nào; không chia sẻ thông tin thẻ lên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản; không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, đặc biệt các ứng dụng có quyền truy cập dữ liệu trên thiết bị; không thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào tài khoản hay số điện thoại do người khác chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng hoặc khuyến mại, vay vốn…

Cùng chuyên mục

Ngân hàng thương mại có thể bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và một số quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Tin mới

Visa EB3 - Chương trình định cư Mỹ dành cho lao động phổ thông - Con đường lý tưởng thực hiện ước mơ tại “miền đất hứa”
Bạn đang ấp ủ giấc mơ Mỹ? Bạn mong muốn tìm kiếm một chương trình định cư Mỹ không yêu cầu bằng cấp cao hay nhiều kinh nghiệm? Visa EB3 chính là con đường lý tưởng cho bạn! Chương trình này mở ra cánh cửa đến với cuộc sống mới tại Hoa Kỳ - đất nước của tự do và cơ hội.
Biển người đổ về “Hàn Quốc thu nhỏ” K-Town trong ngày khai trương
Hàng vạn tín đồ yêu văn hóa Hàn Quốc đã đổ về phía Đông Hà Nội, tham gia sự kiện khai trương K-Town (Grand World, Ocean City) với chuỗi hoạt động hấp dẫn kéo dài liên tục trong 3 ngày từ 26 - 28/4. Với vô vàn trải nghiệm độc đáo “chuẩn Hàn”, K-Town hứa hẹn trở thành điểm đến được yêu thích bậc nhất dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam (dân gian gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa lành một số bệnh thông thường.