VTV Đặc biệt 'Ranh giới': Thước phim chân thực về cuộc chiến chống Covid-19 khiến cả triệu người rơi nước
Tại Bệnh viện Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh, các y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn đang ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân, giành giật sự sống cho nhiều người trước căn bệnh Covid-19.
Tối 8/9, VTV đã có phóng sự ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Hùng Vương. Theo đó, Ngày 21/7/2021, Bệnh viện Hùng Vương được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phân tầng điều trị theo biểu đồ hình tháp từ tầng 1 đến tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19. Bệnh viện đã chuyển đổi toà nhà “Cát Tường” trở thành khu k1 để điều trị sản phụ F0 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường bệnh.
Những thước phim, hình ảnh chân thực nhất đã được VTV ghi lại truyền tải đến người dân để mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về Covid-19 và nâng cao y thức phòng chống dịch bệnh.
Dồn sức tập trung cho “chiến trường” khu K1
Khung cảnh tại bệnh viện, tất cả đội ngũ y tế của cả bệnh viện được huy động dồn sức tập trung cho “chiến trường” khu k1. Các y bác sĩ, nhân viên y tế đều trong tình trạng gấp gáp, luôn chân, luôn tay với nhiều công việc. Các cuộc gọi thúc dục xe đến đón chuyển bệnh nhân và mua trang thiết bị liên tục được thực hiện.
Các bác sĩ liên tục tiến hành thay bình oxy, vận chuyển bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp. Một số trường hợp mắc Covid-19 khi đang mang thai hơn 20 tuần khi vào viện thì đã lưu thai.
Khi nhập viện bệnh nhân tím tái hết người, vào viện không có máy thở, các nhân viên y tế phải thay nhau bóp bình cung cấp oxy xuyên đêm cho bệnh nhân.
Do tăng cường, hỗ trợ nên nhiều nhân viên y tế cũng trong tình trạng bỡ ngỡ với nhiều việc mới tại “chiến trường” K1.
“Kêu tụi em cái gì cũng không biết”, một bác sĩ nói nhân viên y tế trong lúc đang gấp gáp quay cuồng với việc điều trị cho bệnh nhân.
“Em mới qua ngày hôm qua thôi anh Nguyên chứ không phải như bình thường đâu mà quen”, một nhân viên y tế đáp.
Bình oxy, các cuộc gọi chuyển viện liên tục được thực hiện. Số lượng bệnh nhân nhiều, các y bác sĩ hầu như không có thời gian nghỉ ngơi bất kể ngày hay đêm.
Một nữ bệnh nhân liên tục tháo thiết bị cung cấp oxy ra khỏi mặt vì khó chịu. Các nữ nhân viên liên tục phải động viên, nhắc nhở nữ bệnh nhân này phải đeo mặt nạ thở oxy để phổi nhanh chóng được phục hồi.
“- Chị nói này, em lấy cái tay giữ như vậy rồi lát em ngủ quên thì sao? Rồi ai giữ cho mình?
- Em cầm thở thấy vẫn được!
- Rồi nhưng mà hồi nãy chị vào chị thấy em đang ngủ mà nó bị tuột. Oxy không vào người em thì phổi của em nó không có được cải thiện.
- Em không có thở được cái này á chị.
- Nếu em khoẻ giống như em nói thì em đã không xuống khu vực này. Đúng không! Giờ này khuya rồi, đáng lẽ chị để em ngủ chứ chị đâu có ép chặt cái này vào mặt em làm cái gì. Nghe chị đi, bây giờ chị ràng thử, nhẹ thôi coi dễ chịu không thì để luôn”, nữ bác sĩ cố gắng thuyết phục bệnh nhân thở oxy để cải thiện phổi.
Một bệnh nhân khác cũng trong tình trạng khó thở, không chịu thở oxy.
“- Hồi trưa làm rồi em thở không được, suýt chết rồi! Em không lấy đâu.
- Nó càng lúc càng nặng hơn là cắm ống thở đó. Một hồi nữa là vật vã, phải thở máy thì thôi luôn đó.
- Bảo cấp trên em yêu cầu chuyển viện đi.
- Chuyển đi đâu? Ai nhận? Nói thật đó! Có quen chỗ nào nhận không tôi gọi cho chuyển liền.
- Mình không có lựa chọn đâu. Bây giờ hợp tác với bác sĩ đi để cứu mạng mình đó.
- Nhưng mà không thở nổi sao hợp tác được chị. Hay trở về nhà em đi.
Sau một hồi khuyên giải không được, nữ bác sĩ đành quay lại nhờ các nhân viên y tế đồng nghiệp hỗ trợ để khuyên bệnh nhân này.
Theo Bác sĩ gây mê Lữ Thị Khánh Phương, Bệnh viện Hùng Vương: “Mỗi bệnh nhân qua khu K1 này là họ không có người nhà luôn. Nên đó là thiệt thòi của những sản phụ vào lúc này. Khó xử là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc. Chính vì vậy, mình bù đắp được gì cho họ thì mình bù”.
Một sản phụ có bầu 24 tuần đang trong tình trạng rất khó thở nói với bác sĩ muốn bỏ đứa con của mình:
“- Bây giờ có nhu cầu bỏ giùm em đi chị?
- Bậy bạ không!
- Giờ nó đè em vậy thì chết em trước.
- Em bình tĩnh lại này, không phải do cái thai đè em mà do cái bệnh Covid-19 nó tấn công phổi của em, làm cho cái phồi của mình nó xẹp lép lại rồi. Bây giờ mình đang thở O xy để cho cái phổi nó nở ra trở lại.
- Bây giờ nếu mà mẹ sống thì con sống.
- Nhưng ông xã em sợ em chết!
- Không có ai bỏ em hết.
- Em bây giờ chỉ lo thở thôi, đừng nghĩ gì hết.
- Nhưng mà em thở không nổi, em về nhà em chết ở nhà thôi.
- Em về nhà đâu có oxy để thở”.
Nữ bệnh nhân tiếp tục nói không thể nằm được, mà đứng cũng không được.
“- Vậy chứ em thấy tụi chị có nằm được không? Bâu giờ là 1h đêm đó. Em còn được ngồi, tụi chị không có ngồi luôn, mặc đồ rất là nóng nực mà đang phải năn nỉ em thở. Em thở cho em chứ không phải em thở cho chị. Em thở cho đứa bé nữa. Còn bây giờ 1h khuya không có ai chở về hết”, nữ bác sĩ giải thích.
Trước nhiều bệnh nhân, đôi khi có những bệnh nhân, người thân bệnh nhân phải đưa ra những quyết định đau đớn tột cùng.
Có những quyết định đau đớn phải chấp nhận đưa ra
Một nữ bệnh nhân ngủ thiếp đi không thở khiến lượng oxy trong máu xuống mức báo động là 73. Các bác sĩ phải liên tục gọi, đánh thức bệnh nhân, yêu cầu bệnh nhân phải thở chứ không được ngủ thiếp đi. Do phổi bị tổn thương rất nặng, oxy hít vào cơ thể không thể hấp thu đủ để cung cấp cho cả 2 mẹ con nên các y bác sĩ đã tiến hành hội chẩn.
Sau cùng, để giảm áp lực oxy cho bệnh nhân, các bác sĩ phải lấy em bé ra, chấm dứt thai kỳ. Điều này là bắt buộc thì mới làm giảm áp lực cho nữ bệnh nhân và mới cứu được người mẹ. Về em bé, do mới được 21 tuần nên khi lấy em bé ra sẽ không nuôi được. Gia đình cũng đành đau đớn chấp nhận để cứu người mẹ.
“Khi mà mình phải chấm dứt một chuyện nào đó, nó như một điều gì đó rất hụt hẫng trong con người mình”, một nữ bác sĩ tâm sự.
Một số bệnh nhân gắng gượng làm những việc thường ngày nhưng không thể làm nổi, do lượng oxy trong máu vốn thấp, khi cố hoạt động thì oxy càng tụt nhanh và ngã ra đất.
“Ranh giới cái sống và cái chết quá mong manh, mọi người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn”
Một ca ngưng tim sau khi được cấp cứu đã có mạch trở lại, các bác sĩ phải tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân này. Trước khi đặt, bác sĩ bấm số điện thoại cho bệnh nhân nói chuyện với người thân.
Dù không còn nói được lên tiếng vì khó thở nhưng bệnh nhân vẫn cố gắng đọc trong sự vô vọng. Khi nhận ra mình không nhớ số điện thoại của người nhà, bệnh nhân lo sợ bật khóc khiến các bác sĩ liên tục phải khuyên bình tĩnh và cố gắng thở.
“- Chị tên gì?
- Võ Thị Kim Ngân
- Em sợ quá!
- Không có sợ!”, các bác sĩ gắng khuyên bệnh nhân bình tĩnh.
Khi người thân nghe điện thoại, nữ bệnh nhân cố gắng gượng nói rằng đang rất sợ, khóc lóc. Trước khi vào đặt máy, nữ bệnh nhân vẫn cố nói với người thân rằng muốn gặp con.
Một bệnh nhân khác tiến triển nặng, báo động đỏ được phát đi tại Viện sản phụ khoa, tại khoa K1. Bác sĩ thường trú, bác sĩ trưởng tua, bác sĩ gây mê, bác sĩ trực nhi được mời ngay lập tức đến khoa K1 nhưng mọi thứ không cứu vãn được. Bệnh nhân không qua khỏi do mắc Covid-19 quá nặng.
“Không cứu được nó đau lắm, khi thấy một bệnh nhân bị vậy nó đau từ trong tim. Tất cả bao nhiêu con người, mà cũng không cứu được. Ranh giới cái sống và cái chết quá mong manh. Khiến mọi người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn”, hộ sinh Phạm Thị Thuỳ Trang, Bệnh viện Hùng Vương nghẹn lại.
KTV Gây mê, Đinh Quốc Hưng, Bệnh viện Hùng Vương đau đớn nói: “Chỉ biết kìm nén nước bắt thôi chứ chẳng làm gì dược hơn nữa. Chán lắm!.
Giờ đây, cuộc chiến với Covid-19 vẫn đang diễn ra ngày đêm. Các y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn đang quay cuồng giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân. Mỗi người dân cần tự có ý thức cao hơn trong cuộc chiến này để đem lại sự an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.