Vì sao bóng đá Đông Nam Á chưa đủ sức mạnh tranh suất dự World Cup?
Asian Cup 2023 đã cho thấy bóng đá Tây Á phát triển rất mạnh, còn các đội tuyển của Đông Nam Á vẫn chưa ra khỏi “ao làng”.
Nhật Bản là hình mẫu của châu Á về sự phát triển bóng đá và xuất ngoại cầu thủ, với giá trị đội tuyển lên đến 318 triệu euro. Tham vọng của Nhật Bản là vươn tầm số một thế giới, còn mục tiêu dài hạn là vô địch World Cup 2050. Nhưng Nhật Bản thua Iraq ở vòng bảng, bị Iran loại ở tứ kết. Thất bại của Nhật Bản cho thấy họ chưa đủ tầm chen chân vào nhóm các đội tuyển mạnh nhất thế giới.
Hàn Quốc cũng giống như Nhật Bản là có rất nhiều cầu thủ xuất ngoại. Nhưng Hàn Quốc thi đấu vô cùng chật vật khi đụng các đội Tây Á. Saudi Arabi chỉ dừng bước trước Hàn Quốc sau loạt đá phạt đền.
Asian Cup 2023 cho thấy hai thái cực rất cụ thể. Một bên đại diện cho những nền bóng đá có nhiều cầu thủ xuất ngoại sang châu Âu (Hàn Quốc và Nhật Bản), một bên có khu vực bóng đá phát triển mạnh (Tây Á).
Tây Á có những đội tuyển mạnh gồm Iran, Iraq, Saudi Arabia, Qatar, Jordan, UAE, Oman, Syria, Liban, Palestine, gần như không có khoảng cách lớn về trình độ. Ở một khu vực có nền bóng đá phát triển của nhiều đội tuyển mạnh, Tây Á đã cho thấy sức mạnh tại Asian Cup.
Hai vấn đề nêu trên gồm cầu thủ xuất ngoại và mặt bằng chung là rào cản cho các đội bóng tuyển của Đông Nam Á có tham vọng World Cup. Con đường nhập tịch đang được Indonesia, Malaysia, Philippines hướng tới theo diện “đi tắt” để cải thiện đẳng cấp. Đó là bước đi hợp lý nhưng bóng đá Đông Nam Á cần thêm sự thay đổi về tính cạnh tranh, chất lượng giải AFF Cup.
Nhiều năm qua, AFF Cup chưa cho thấy được giá trị của một giải đấu nâng tầm các đội tuyển. Thái Lan có hai lần gần nhất vô địch liên tiếp AFF Cup nhưng vẫn không thể chen chân vào top 8 ở Asian Cup 2023. Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong 6 năm liên tiếp trên BXH FIFA, kết quả bị loại từ vòng bảng.
Lấy Thái Lan làm ví dụ, bởi họ có nhiều điều kiện để xứng đáng là nền bóng đá mạnh nhất khu vực. Nhưng Thái Lan đã có hơn 50 năm chưa vào tứ kết Asian Cup. Những chức vô địch AFF Cup chưa nâng tầm được tuyển Thái Lan so với các đội hàng đầu châu Á.
Nâng cao chất lượng giải vô địch quốc, nâng tầm AFF Cup rõ ràng có ý nghĩa lớn để các đội tuyển của Đông Nam Á bước ra khỏi “ao làng”. Giải vô địch quốc gia được cải thiện thì cầu thủ Đông Nam Á có thêm cơ hội xuất ngoại. AFF Cup cần tính đến chuyện mời các đội tuyển mạnh của châu Á tham dự, thay vì duy trì sự cạnh tranh chỉ xoay quanh Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, mà cả bốn đội đều chưa đủ tầm bước vào top 10 châu Á. Trên thế giới, không ít sân chơi lớn mời các đội bóng mạnh tham dự, mục đích nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh cho giải đấu.