Uống gì để phòng say nắng, say nóng?
Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Không chỉ gây mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà còn có thể gây đột quỵ.
1. Dấu hiệu nhận biết say nắng, say nóng
Theo ThS. BS Đỗ Quốc Phong, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện E, nguyên nhân gây say nắng do khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh.
Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong.
Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh...
Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.
2. Xử trí như thế nào?
Trước một trường hợp say nắng, say nóng cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế:
- Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.
- Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Tại cơ sở y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.
Theo ThS. BS Đỗ Quốc Phong, điều quan trọng là phải có các biện pháp dự phòng say nắng, say nóng. Đó là:
- Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức.
- Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…
- Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.
- Cần uống đầy đủ nước, đặc biệt là khi trời nóng hoặc lao động nặng ngoài trời nắng.
Theo các chuyên gia y tế, say nắng, say nóng rất dễ xảy ra khi chúng ta không uống đủ lượng nước cần thiết trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Để đảm bảo lượng nước cân bằng trong cơ thể, đối với người trưởng thành cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Trong mùa nắng nóng, nhiệt độ cao thì cần lưu ý uống nhiều nước hơn và uống thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống. Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, nước canh, rau có tính mát, giải nhiệt. Không uống nước có gas, đồ uống năng lượng, cà phê, đồ uống có cồn… để tránh mất nước.
3. Một số đồ uống giúp giải nhiệt, phòng ngừa say nắng, say nóng
3.1. Nước dừa
Nước dừa tự nhiên là một loại nước uống có tác dụng giải khát và bổ dưỡng. Các khoáng chất trong nước dừa như: kali, natri, canxi, magiê, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào.
Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể.
Uống trực tiếp nước dừa tươi không thêm đường, ngày 1-2 cốc có tác dụng giải nhiệt, phòng và chữa say nắng, khát nước hiệu quả.
3.2. Nước chanh tươi
Là loại trái cây họ cam quýt, chanh là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào rất tốt cho sức khỏe. Nghiên cứu cũng cho thấy, uống nước chanh chứa axit citric có thể hỗ trợ làm giảm mệt mỏi về thể chất. Axit citric làm giảm viêm trong cơ thể và giúp hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu, góp phần cải thiện mức năng lượng…
Uống nước chanh tươi pha thêm ít đường giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, làm giảm mệt mỏi, lợi tiểu, dùng thích hợp trong trường hợp làm việc ngoài trời nắng nóng, lao động thể chất mệt mỏi.
3.3. Nước bí đao
Bí đao không chỉ được dùng làm thực phẩm mà loại quả này còn có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, phòng ngừa say nắng nóng hiệu quả.
Nguyên liệu: Bí đao tươi 500g
Cách làm: Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch rồi thái miếng, cho vào máy ép lấy nước, hòa thêm một chút muối, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
3.4. Nước rau má sắn dây
Rau má và sắn dây là những vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền có tính mát, giải nhiệt. Nước ép rau má hoặc nước sắn dây được nhiều người ưa chuộng trong mùa nóng do tính giải nhiệt, giải độc, mát gan, tiêu khát, làm mát cơ thể, giúp phòng và trị say nắng.
Nguyên liệu:
- Rau má 20g
- Bột sắn dây 10g
Cách làm: Rau má rửa sạch, giã nát thêm nước sôi để nguội vắt kiệt nước rồi hòa bột sắn dây vào, thêm đường uống.
3.5. Nước dưa hấu, bí đao
Nguyên liệu:
- Dưa hấu 500g
- Bí đao 500g
- Đường trắng vừa đủ
Cách làm: Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch; dưa hấu lấy ruột, bỏ hạt; hai thứ thái miếng, dùng máy ép lấy nước rồi thêm một chút đường trắng hòa tan, chia uống nhiều lần trong ngày. Dùng trong những ngày nóng bức có tác dụng giải nhiệt, giải độc, phòng ngừa say nắng, say nóng./.