Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 24/01/2024 20:17 (GMT+7)

Trung Quốc phát triển mạng lưới giao thông thần tốc trong năm 2023

Theo dõi GĐ&PL trên

Trung Quốc đã đạt được tiến bộ vượt bậc về mở rộng mạng lưới giao thông toàn diện và đa chiều trong năm 2023 nhằm thúc đẩy kết nối, tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, đầu tư của nước này vào lĩnh vực giao thông vận tải đạt 3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 500 tỷ USD) trong 11 tháng đầu năm 2023.

Trong giai đoạn này, hơn 7.000km đường cao tốc đã được mở rộng hoặc nâng cấp, 1.700km đường sắt cao tốc được xây dựng mới, 1.000km đường thủy chất lượng cao được bổ sung hoặc cải tiến.

Ngoài ra, có thêm hai sân bay vận tải dân sự đã được cấp chứng nhận. Về đường sắt, tổng quãng đường vận chuyển bằng đường sắt đô thị của đất nước tỷ dân này đã đạt hơn 360km.

tm-img-alt
Kênh đào Giang Hoài thuộc tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. Ảnh: CFP.

Bên cạnh đó, kênh Giang Hoài ở tỉnh An Huy (phía đông Trung Quốc) cũng chính thức được đưa vào hoạt động trong năm 2023.

Nằm trong dự án nước lớn nhằm chuyển nước từ sông Dương Tử sang sông Hoài Hà, tuyến đường thủy dài 355km nối sông Hoài Hà với hồ Sào Hồ và sông Dương Tử này là một kênh nhân tạo lớn song song với kênh đào 2.500 tuổi Đại Vận Hà nối Bắc Kinh - Hàng Châu.

Việc mở kênh Giang Hoài giúp rút ngắn khoảng cách vận chuyển đường thủy giữa sông Hoài Hà và sông Dương Tử từ 200 - 600km, tạo điều kiện cho hoạt động đường thủy trở nên thuận tiện, tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn.

Theo Tân Hoa Xã, dự án chuyển hướng nước dài 723 km và mất 6 năm để xây dựng sẽ cung cấp nước cho 15 thành phố ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc và tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Dự án sẽ mang lại lợi ích cho hơn 50 triệu người.

Thủy thủ tàu Zhao Hu cho biết: "Trước đây, phải mất 7-8 ngày để đến thành phố Vu Hồ, nhưng bây giờ chỉ mất 4-5 ngày, tiết kiệm được 6.000 - 7.000 nhân dân tệ chi phí vận chuyển".

Còn theo ông Chen Jing đến từ Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc: "Việc mở kênh Giang Hoài có thể tiết kiệm hơn 6 tỷ nhân dân tệ chi phí vận chuyển hàng rời ở nội địa mỗi năm, giảm lượng khí thải carbon gần 1,8 triệu tấn và giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp dọc tuyến từ 5 - 10%".

Đến cuối năm 2022, tỉ lệ hoàn thành siêu dự án xây dựng mạng lưới giao thông quốc gia hiện đại, chất lượng cao và toàn diện của Trung Quốc là khoảng 79%, với quy mô tổng cộng hơn 6 triệu km. Trong đó, có khoảng 16.500 km đường thủy cao cấp.

Đất nước này cũng tự hào có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với quãng đường hoạt động là 42.000 km và mạng lưới đường cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài 177.000 km. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc có 254 sân bay vận tải dân dụng.

Cùng chuyên mục

Bão Toraji gần Biển Đông, giật cấp 12
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ, ngày 10/11, vị trí tâm bão Toraji ở vào khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 126,9 độ kinh đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines).

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.