Top 8 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc và cách trả lời
Phỏng vấn xin việc là hình thức trao đổi thông tin giữa ứng viên và doanh nghiệp để cân nhắc mức độ phù hợp của cả 2 bên.
Đây sẽ là bước tiên quyết trước khi đi đến quyết định công ty có tuyển dụng nhân sự này hoặc ứng viên có gắn bó với công việc này hay không. Chính vì thế, thái độ và cách trả lời phỏng vấn của bạn rất quan trọng đến kết quả của quá trình phỏng vấn.
Tùy thuộc vào từng vị trí công việc và đặc điểm ngành nghề mà bạn có thể được hỏi những câu hỏi khác nhau, dưới đây là một số câu thường gặp nhất khi tìm việc nhanh uy tín.
Câu hỏi liên quan đến giới thiệu bản thân
Đây chắc chắn là câu hỏi đầu tiên bạn bạn cần phải trình bày trong mọi buổi phỏng vấn. Gợi ý hướng trả lời nên ngắn gọn, khiêm tốn, trung thực và có đề cập đến những thông tin cơ bản của nhà tuyển dụng. Đồng thời, bạn cũng có thể nhắc đến một số thành tích nổi bật đã đạt được trong học tập/vị trí làm việc trước đây để gây ấn tượng với công ty.
Chẳng hạn như: “Tôi là Nguyễn Văn A, tốt nghiệp trường Đại học B loại Giỏi, đã có 3 năm kinh nghiệm tại vị trí trưởng phòng kinh doanh. Bằng kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực chiến cùng tinh thần nhiệt huyết, tôi đã giúp doanh thu phòng tăng 20% so với quý trước đó. Tôi nhận thấy mình hoàn toàn có đủ khả năng để đảm nhiệm công việc này.”
Điều khiến ứng viên mong muốn làm việc ở vị trí ứng tuyển
Nhà tuyển dụng muốn biết được nguyên nhân bạn có hứng thú ứng tuyển vào công ty, vào vị trí này. Do đó, bạn cần nghiên cứu các thông tin về công ty cũng như mô tả công việc, cộng thêm những kỹ năng liên quan của bạn để từ đó tìm được câu trả lời thích hợp. Chẳng hạn như bạn có thể đề cập đến khả năng thăng tiến trong sự nghiệp nếu được chọn vào vị trí này, công việc này phù hợp với chuyên môn – kinh nghiệm, hoặc phù hợp với mục tiêu tương lai của bạn,...
Kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển
Đây là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn cần phải lưu ý để tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Tốt nhất hãy thể hiện giá trị bản thân, chứng tỏ bạn có thể đáp ứng những yêu cầu mà họ đưa ra. Một số gợi ý để giúp bạn cân nhắc câu trả lời hay ho bao gồm: định lượng kinh nghiệm bằng những con số cụ thể (số năm làm việc, số dự án đã tham gia,...); lấy ví dụ về những hạng mục công việc trước đây có liên quan đến vị trí ứng tuyển, nhấn mạnh mục tiêu công việc,...
Lý do ứng viên không tiếp tục công việc ở công ty cũ
Có khá nhiều lý do để nghỉ việc, có thể là do môi trường làm việc không thích hợp, không còn nhiều cơ hội phát triển, việc gia đình, hoặc một lý do cá nhân nào khác. Tuy nhiên, bạn nên trả lời khéo léo, tích cực nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực khi được hỏi. Điều quan trọng là cần tránh tuyệt đối việc nói xấu hay than phiền về sếp, đồng nghiệp và công ty cũ cũng như các vấn đề như lương trễ, không thăng lương, chính sách phúc lợi kém,... Chỉ đơn giản bạn có thể đề cập mục tiêu công việc trong câu trả lời là ổn nhất, ví dụ như muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp, muốn học hỏi thêm kinh nghiệm ở môi trường mới,...
Điểm mạnh - điểm yếu của ứng viên
Dạng câu hỏi này khá thường gặp khi tham gia phỏng vấn xin việc vì nhà tuyển dụng muốn biết được ưu - nhược điểm thông qua cách bạn tự đánh giá. Bạn có thể cân nhắc một vài phẩm chất nổi bật kèm ví dụ chứng minh, tốt nhất là những điểm mạnh có liên quan đến yêu cầu của vị trí ứng tuyển. Còn về điểm yếu, bạn đừng nên kể theo kiểu quá rập khuôn mà nên đề cập đến khuyết điểm cộng với hoàn cảnh khiến bản thân nhận biết về điểm yếu đó và cách bạn vượt qua nó. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có được cái nhìn tổng quát hơn.
Cách ứng viên vượt qua áp lực
Bạn nên cẩn trọng với câu hỏi này vì nó ảnh hưởng đến cách nhà tuyển dụng đánh giá về khả năng chịu áp lực công việc của bạn. Một câu trả lời thông minh sẽ chứng minh bạn là một người làm việc khoa học, biết cách xử lý và vượt qua những áp lực. Bạn có thể kể về những khó khăn trong quá khứ khiến bạn thấy áp lực và đã tìm cách giải quyết như thế nào (tự mình tìm ra phương án, nhờ tới sự giúp đỡ của cấp trên hoặc đồng nghiệp,...)
Mức lương mong muốn
Nhà tuyển dụng khi hỏi câu này chính là muốn biết về kỳ vọng của bạn về mức lương được trả và cân nhắc xem nó có phù hợp với ngân sách của họ hay không. Bạn nên tìm hiểu trước về phạm vi mức lương của vị trí ứng tuyển trên thị trường để đưa ra con số hợp lý. Tránh việc đưa ra mức lương quá cao hoặc quá thấp vì dễ khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn không biết giá trị của mình ở đâu.
Câu hỏi để hỏi nhà tuyển dụng
Vào cuối buổi phỏng vấn thường thì bạn sẽ được hỏi câu này và nhà tuyển dụng chắc chắn không muốn nghe câu trả lời “Tôi không có câu hỏi nào”. Thay vào đó, có thể tận dụng cơ hội này để làm rõ những gì bạn còn thắc mắc như quy trình diễn ra sau buổi phỏng vấn, ngày làm việc, người có thể giữ liên lạc để nắm bắt kết quả phỏng vấn,... Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao về khả năng ứng phó với tình huống cũng như kỹ năng đặt câu hỏi.
Trên đây là top 8 câu hỏi thường gặp cũng như gợi ý cách trả lời, hi vọng sẽ là thông tin bổ ích, giúp bạn có được buổi phỏng vấn xin việc thành công.