Tìm lại ánh đèn Trung thu xưa qua những chiếc đèn lồng cổ
Những mẫu đèn xưa cũ tưởng chừng đã bị thất truyền từ đèn cá chép hóa rồng, đèn cá chép trông trăng, đèn con cua, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm đến đèn quả đào, quả lựu, đèn trống... đã được tái hiện đầy sinh động, cuốn hút trong chương trình Vui Tết Trung thu với chủ đề Đèn thu lung linh do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức.
Ký ức về những ánh đèn lung linh xưa
Tết Trung thu hay còn gọi là Tết thiếu nhi, Tết trông trăng diễn ra vào Rằm tháng Tám, là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Đây là thời điểm khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, nhân dân ta mở hội cầu mùa, ca hát, vui chơi. Vào đêm Rằm, trẻ con rước đèn, múa sư tử; người lớn thưởng trăng, ăn bánh, uống trà hoặc uống rượu sen với ốc và một số nơi còn hát trống quân.
Là một trong bốn lễ tết lớn nhất của người Việt, Tết Trung thu có nguồn gốc từ một nghi lễ nông nghiệp. Thời xa xưa, người nông dân thường ngắm trăng, tiên đoán thời tiết, dự đoán mùa màng “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.
Trong truyền thống, vào ngày rằm tháng tám, các gia đình thường ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Trẻ nhỏ được bố mẹ mua tặng đồ chơi, vui rước đèn, đánh trống, múa lân dưới ánh trăng thu vằng vặc trên khắp phố phường, làng quê đã trở thành một nét đẹp văn hóa có bề dày lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta.
Tưởng chừng khó có lúc nét đẹp xưa trở lại nhưng trên nền các nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán... các nghệ nhân tại chương trình Vui Tết Trung thu đã mang cái lung linh của ánh đèn xưa trở về với những hình ảnh đầm ấm, giản dị.
Đó là nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người chuyên làm ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng; nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chuyên làm đèn kéo quân, đèn sao; nghệ nhân nặn tò he Đặng Văn Khang,.. các nghệ nhân sẽ tương tác, hướng dẫn trải nghiệm cho các em thiếu nhi và du khách.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho biết, bà đến đây với những sản phẩm mà gia đình bà đã làm và được truyền qua 3 thế kỷ: ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy và một số các loại đèn ông sao, đèn con thỏ. Từ năm 2000, nhà bà có làm thêm một số sản phẩm đèn con tôm, con cá, con công, để cho trẻ nhỏ có thêm nhiều đồ chơi sống động.
Nghệ nhân chia sẻ, Tiến sĩ giấy là món đồ chơi dân gian truyền thống được làm bằng giấy và thường là giấy màu đỏ, màu vàng, có hoa cài mũ, thẻ bài cầm tay, mão trạng nguyên và áo bào sặc sỡ, dưới chân áo được trang trí cờ quạt, họa tiết ông hổ.
Trong mâm cỗ Trung Thu, Tiến sĩ giấy thường được đặt ngay vị trí trung tâm trang trọng nhất, sau khi phá cỗ, các bé sẽ rước ông Tiến sĩ đi quanh làng quanh xóm, khi trở về quê, các bậc phụ huynh sẽ mang Tiến sĩ giấy về trưng bày tại bàn học, khuyến khích tinh thần học tập ở trẻ với mong muốn cho các con mình được bình an, chăm ngoan học giỏi để sau này trở thành những người tài.
2 ông đánh gậy trông trăng có thể treo ở trước cửa sổ, hoặc gần quạt, khi có gió đập vào mặt trăng thì người ông sẽ chuyển động, tay ông sẽ múa trông rất vui mắt. Theo nghệ nhân, ông đánh gậy trông trăng cũng mang ý nghĩa nhắc nhở về sự dũng cảm của cha ông ta khi xưa đã chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược bằng gậy, gươm đao.
“Ngày trước, để làm những đồ chơi dân gian này, gia đình tôi sẽ phải bận rộn từ cuối tháng 5 âm lịch, phải tập kết những giấy màu, tre nứa để cắt dán thành những ông tiến sĩ giấy và ông đánh gậy. Trong tuổi thơ chúng tôi rất vui thích khi tự mình được làm những đồ chơi cho mình”, Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến say sưa kể.
Bà cũng nhớ như in từ những đầu tháng 8 âm lịch, khắp làng xóm đã rộn rã tiếng trống, kèn, bố mẹ đã mua các đồ chơi dân gian cho con. Ngày rằm trung thu, nhà ai cũng có ông tiến sĩ giấy và hai ông múa gậy để cho các con bày cỗ.
“Ngày xưa đồ chơi trung thu rất mộc mạc, những đứa trẻ không có loại đồ chơi nào khác ngoài đồ chơi dân gian. Khoảng 30 năm trở lại đây, đồ chơi ngoại nhập đã xuất hiện rất nhiều, nó bắt mắt, hiện đại lại thu hút trẻ con, nên nhiều đồ chơi Trung thu dân gian dần bị lãng quên”, Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho biết thêm.
Bà Hoàng Hồng Hạnh (73 tuổi), một khách thăm quan tại sự kiện chia sẻ, bà cảm thấy tiếc nuối khi Trung thu bây giờ không còn giản dị, đầm ấm như ngày xưa nữa vì nhiều đồ chơi dân gian đã bị xao nhãng để thay bằng những sản phẩm xa xỉ, đắt đỏ của thời đại công nghệ.
“Thời tuổi thơ của chúng tôi, một ông Tiến sĩ giấy chỉ bằng một chiếc bánh nướng hoặc bánh dẻo nhưng nó đầm ấm và nó đầy ắp những kỷ niệm trong những buổi đi rước đèn quanh làng xóm”, bà Hồng Hạnh chia sẻ.
Chính vì vậy, bà đã đến với không gian này để tìm lại những kỷ niệm và cảm thấy vô cùng phấn khởi vì có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ cũng quan tâm đến Trung thu và các đồ chơi dân gian dịp Trung thu.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhận được nhiều sự quan tâm của du khách đến tham quan, bởi việc làm này góp phần đánh thức lại sở thích của người dân đối với các đồ chơi dân gian nói chung và đèn ông sao nói riêng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền có một tình yêu lớn dành cho đèn ông sao, đèn kéo quân và ông đã làm công việc này gần 70 năm: “từ nhỏ được các cụ làm cho chơi, sau đó thì mình mày mò làm lấy”.
Vừa thoăn thoắt hoàn thiện một chiếc đèn sao ông vừa kể: “Theo truyền thuyết, ngày xưa có lần các vì sao thấy các cháu nhỏ chơi vui quá, xin phép Ngọc hoàng xuống trần gian để chơi với chúng. Từ đó, vào mỗi độ trăng sáng thu về, người ta làm những đèn sao để tưởng nhớ đến những ông sao đã xuống nhân gian và rước đèn cùng trẻ nhỏ đón trăng”.
Nghệ nhân nhân dân Ánh Tuyết cũng đến tham quan tại chương trình với niềm vui mừng khi gặp lại những ánh đèn lung linh xưa. Bà bồi hồi nhớ lại kỷ niệm hồi nhỏ cùng các bạn làm đèn đón Trung thu: “Ngày xưa chúng tôi thường tự làm đèn ông sao, tự kiếm những đoạn tre về chẻ ra, mua giấy bóng kính về và cắt dán. Khi không đủ tiền mua nến, chúng tôi lấy hạt bưởi phơi khô, sau đó xâu vào một đoạn dây thép nhỏ, đốt thì nó cháy tí tách rất vui mắt. Ngày đó, tuy thiếu thốn nhưng lại có sự khắc phục khó khăn, sáng tạo và đó là những kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi không quên”.
Tái hiện không khí Trung thu đấm ấm trong khu di sản
Chương trình “Vui Tết Trung thu” năm 2023 đã góp phần tạo ra một sân chơi đặc sắc mang lại các em nhỏ và du khách những trải nghiệm ý nghĩa để từ đó hiểu thêm về lịch sử văn hóa nói chung và tết Trung thu nói riêng.
Không gian trưng bày các loại đèn Trung thu cổ truyền được bài trí dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ hiện lên lung linh với đủ sắc màu trong những chiếc đèn kéo quân, đèn lồng với nhiều hình dáng như cua, cá, thỏ, quả bầu, bí,...
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa để phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền.
Bên cạnh đó còn là các gian hàng bán đồ chơi, mâm cỗ “trông trăng” cùng đĩa bánh kẹo, hoa quả đặc trưng cho mùa thu, hay ông tiến sĩ giấy, thể hiện mong ước con cháu đỗ đạt của người xưa.
Cùng với các sản phẩm phục dựng, tại khu di sản còn có không gian sắp đặt các món đồ chơi Trung thu truyền thống khác, như: Ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mặt nạ, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông...
Đến tham quan khu trưng bày, công chúng và du khách, nhất là các bạn trẻ có thêm cơ hội tìm hiểu về những món đồ chơi xưa chỉ có trong dịp tết trông trăng, từ đó thêm yêu mến, trân trọng văn hóa của dân tộc mình.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm đặc sắc, thú vị, vào mỗi dịp Trung thu, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thu hút nhiều lượt khách đến tham quan. Điều này cho thấy giới trẻ hiện nay vẫn yêu mến, muốn khám phá, tìm hiểu các nét đẹp văn hóa truyền thống, cho dù đã từng có thời gian, không ít trò chơi dân gian đã mai một.
Chương trình Vui Tết Trung thu với chủ đề “Đèn thu lung linh” kéo dài từ nay đến 24/9. Vào các khung giờ cố định tại đây còn tổ chức trình diễn nghệ thuật múa sư tử cũng như các khu trải nghiệm, tương tác làm bánh dẻo, làm đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, diều giấy, vẽ mặt nạ giấy bồi… Ngoài ra, du khách có thể tham gia chương trình “check-in không giới hạn” tại con đường đèn sắc màu trong không gian kiến trúc kinh thành trầm mặc chỉ có ở Hoàng thành Thăng Long.
Dịp này, Trung tâm còn có các gian hàng bày đồ chơi trung thu truyền thống như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông. Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa sư tử vào các khung giờ 10h00; 11h00; 15h30; 16h30 các ngày 16,17, 23, 24/9/2023.