Tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em an toàn, thiết thực, ý nghĩa...
Gần đến Tết Trung thu năm 2023, trong ngôi làng của tôi, không gian đã bắt đầu rộn ràng với sắc màu truyền thống của những hình ảnh “long - lân”, cùng với âm vang từ tiếng trống lan tỏa từ đầu thôn đến cuối xóm, từ những con ngõ nhỏ tới đầu ngõ lớn. Mọi nơi đều tràn đầy những hình ảnh, những đứa trẻ đang cùng nhau tìm mua đầu lân, trống con, trống ếch, tạo nên một không khí rộn ràng đầy phấn khích.
Tuy nhiên, không khí sôi động này cũng mang theo những rủi ro về an toàn cho trẻ em, nhất là những đội múa lân “nhí” đang nỗ lực tập luyện hết mình, thu hút đông đảo các em nhỏ tò mò đến xem và cổ vũ. Điều này thường diễn ra sau giờ tan học, khi mà tâm trí của trẻ còn hăng say và không thể hoàn toàn tập trung vào an toàn. Nhiều đội múa lân thậm chí còn tập luyện trên các con đường nông thôn, kiệt hẻm... gây nguy hiểm cho những đội viên múa lân.
Một nguy cơ tiềm ẩn đó là thời tiết xấu, khi trời mưa có thể gây ra tình huống trơn trượt đối với những bước nhảy trên giàn sắt hoặc giàn gỗ, đe dọa tính mạng của các em nhỏ. Thêm vào đó, trong những buổi biểu diễn, một số địa điểm tổ chức các phần trình diễn “hoả công” như phun lửa dễ gây hỏa hoạn hoặc thậm chí cháy bỏng. Nhiều trường hợp tại quê tôi, ông Địa hoặc Tề thiên đã bốc cháy phừng phừng vì các em nhỏ không kiểm soát được những cú phun lửa, dẫn đến cháy nặng, thậm chí là cháy nổ.
Ngoài những rủi ro trực tiếp từ hoạt động múa lân và biểu diễn, an toàn trong việc tiêu thụ thực phẩm và đồ chơi cũng là một vấn đề quan trọng. Thực phẩm bị nhiễm khuẩn, bánh kẹo kém chất lượng hoặc lâu ngày có thể gây hại cho sức khỏe. Đồ chơi bạo lực như kiếm, đao, súng nhựa ảnh hưởng đến tính mạng và tâm hồn của trẻ em.
Tôi còn nhớ, có năm, sau khi múa, phun lửa tại một nhà chị hàng xóm của tôi, đội múa “nhí” vừa chuẩn bị “lui binh”, thì chị chủ nhà vui vẻ nói: “Các em ơi, chị đã treo nhiều tiền, các em “khuyến mãi” phun thêm cho nhà chị thêm một “búng” lửa nữa” nhé. Thế là đội lân “hào phóng” phun ngay một quầng lửa lớn sáng lòa ngay trong nhà, trong lúc “ông Địa” từ trên gác lao xuống va ngay vào khói lửa, hậu quả ông Địa bị cháy tóc, may nhờ có mặt nạ nên da mặt không sao, nhưng da ngực, bụng, đùi... bị bỏng do lửa cháy. “Ông Địa” lúc này hết cười, thôi quạt và kêu khóc vang trời... Tiếp năm sau, ông Địa (mới) cũng bị cháy bỏng, do màn “khói lửa” của nhóm múa lân. Phức tạp hơn, xảy ra những trận cãi vã, đánh nhau do tranh giành địa bàn hoạt động. Thậm chí, có nơi có lúc “đội lân” ra Quốc lộ, Tỉnh lộ chặn ô tô “xin múa” cầu an, “xua tan xui xẻo” để có nhiều tiền thưởng rất nguy hiểm!
Nhằm bảo đảm một mùa Tết Trung thu an lành và vui vẻ cho trẻ em, hi vọng các cấp, các ngành, các hội đoàn thể, nhà trường, phụ huynh... sẽ quan tâm, chú trọng bảo vệ an toàn và quyền lợi của trẻ em. Cần kêu gọi hỗ trợ tài chính và nguồn lực từ tổ chức và cá nhân để tổ chức các hoạt động tặng quà cho trẻ, đặc biệt là những em hoàn cảnh khó khăn các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cũng như trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam hoặc đại dịch Covid-19...
Hơn nữa, việc bảo vệ sức khỏe trẻ em và bảo đảm các sản phẩm, đồ chơi phù hợp và an toàn cũng rất quan trọng. Bậc phụ huynh, tổ chức Hội đoàn thể, nhà trường và các cơ quan có liên quan nên chú trọng hướng dẫn trẻ em về cách tập luyện, biểu diễn, cũng như các biện pháp an toàn khi tham gia các hoạt động Tết Trung thu cũng như nhắc nhở, “khuyến cáo” đến các “gia chủ” khi “treo” những món quà quá cao, lắt léo, có thể gây nguy hiểm, tai nạn, thương tật cho các thành viên trong đội múa lân.
Các địa phương cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tổ chức Tết Trung Thu được an toàn, thiết thực, ý nghĩa...